Doanh nghiệp bất động sản cần rút lui khỏi các lĩnh vực không cốt lõi để “làm đẹp” chính mình.
Ảnh minh họa
|
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) hiện đứng thứ 2 trong thu hút FDI. Đây là năm thứ 3 BĐS trụ khá vững ở vị trí top 3 lĩnh vực thu hút FDI cao nhất. Thứ hạng cao đó cho thấy sự quan tâm của NĐT nước ngoài, đặc biệt là các NĐT châu Á, đối với thị trường BĐS Việt Nam vẫn duy trì trong vài năm gần đây.
Ở bối cảnh đó, dự báo dòng vốn FDI vào BĐS năm tới cũng khá sáng sủa. Tuy nhiên, thay vì dòng chuyển dịch chủ yếu hướng vào phân khúc trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ cao cấp, năm 2015 vốn ngoại có thể chảy vào các phân khúc sản phẩm khác, đặc biệt khi luật pháp đã nới lỏng sở hữu BĐS cho người nước ngoài.
Điển hình là sự tham gia của NĐT Nhật Bản trong phân khúc nhà ở cho tầng lớp trung lưu, vốn là lãnh địa riêng của Hàn Quốc hay Singapore. Sau cái bắt tay hợp tác hồi tháng 9 vừa qua với CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB), Tập đoàn Creed Group (Nhật Bản) dự kiến đầu tư gần 100 triệu USD vào thị trường này. Giữa tháng 12, Creed Group cùng với NBB đã thực hiện dự án đầu tiên tại Việt Nam, đó là City Gate Towers nằm tại quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Dự án có quy mô 1,93 ha với 1.092 căn hộ, đã được NBB triển khai đầu tư từ năm 2011, nhưng sau đó tạm dừng vì thị trường BĐS suy thoái và cho tới nay mới tái khởi động.
“Trong bối cảnh hiện nay, những DN như NBB chắc chắn rất mong chờ sự hợp tác với những tập đoàn đầu tư như Creed Group”, một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS nêu quan điểm. Vị này cho biết, NBB cũng giống như rất nhiều DN BĐS tầm trung tại Việt Nam đã qua thời kỳ phát triển nóng, đầu tư dàn trải, hiện nay rất thiếu vốn để phát triển các dự án. Các tổ chức có tiềm lực trong nước thì vẫn do dự, một số công ty hoạt động tích cực trong ngành BĐS lại chuộng việc mua lại dự án với giá rất thấp, thay vì hợp tác xây dựng cùng DN khác. Do đó, việc Creed Group đề xuất cùng góp vốn để vực dậy các dự án BĐS của NBB chắc chắn là “phao cứu sinh” cho DN này.
Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia nói trên, để được NĐT Nhật Bản “chọn mặt gửi vàng”, NBB cũng phải có những thế mạnh riêng. Hiện NBB có quỹ đất lớn tại 6 tỉnh, thành phố cả nước, trong đó có 5 dự án tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh và 2 trong 5 dự án này đã sẵn sàng động thổ; 3 dự án còn lại thực hiện được trên 90% công tác đền bù. Đây là lợi thế lớn vì nhiều chủ đầu tư khác đang phải tìm cách mở rộng quỹ đất để phát triển dự án.
Đồng thời, NBB cũng đã thiết kế lại các dự án đáp ứng tiêu chuẩn gói cho vay hỗ trợ nhà ở của Nhà nước, để sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường, cũng như khả năng tài chính của khách hàng. Điển hình như dự án City Gate Towers đã giảm diện tích căn hộ từ trung bình 90 m2/căn xuống dưới 70 m2/căn.
Toàn diện hơn, NBB đã tái cơ cấu hoạt động của DN từ năm 2012, đặc biệt là cắt giảm một số lĩnh vực kinh doanh ngoài cốt lõi và tái cơ cấu nợ để giải phóng nguồn tiền mặt như dự án BOT cầu Cổ Chiên, cầu Rạch Miếu, các dự án khai thác đất và đá granite, khai thác titan, thuỷ điện, sản xuất phụ tùng ô tô, nước suối nóng... Trong số này chỉ có lĩnh vực khai thác đất và đá granite mang lại giá trị cho NBB, thông qua việc cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án của công ty. Số còn lại đều khiến DN bị chôn vốn.
Từ thực tế của NBB, các chuyên gia đưa ra lời khuyên DN BĐS cần “làm đẹp” bản thân để hấp dẫn NĐT hơn. “Luật đã nới lỏng sở hữu BĐS cho người nước ngoài tại Việt Nam, mở ra hướng phát triển tốt, song phải thừa nhận là vẫn chưa hoàn toàn hoàn thiện”, ông Phạm Khánh Toàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Xây dựng) nhìn nhận.
Đồng thời, NĐT nên tham gia sớm vào thị trường để tìm hiểu và thông thạo các quy trình thủ tục, tiếp cận nhanh với thị trường BĐS Việt Nam. “Nếu vào giai đoạn sau khi quy hoạch đã ổn định, sẽ có nhiều thủ tục bắt buộc phải làm theo luật định”, ông Toàn giải thích.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng