Đường sắt tốc độ cao có cần thiết?

Cập nhật 01/03/2018 09:24

“Đường bộ, hàng không cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng ngành đường sắt nhiều năm vẫn cũ kỹ, lạc hậu. Do đó, việc sớm hình thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo chỉ đạo của Chính phủ là yêu cầu cấp bách…”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi nghe báo cáo về tình hình triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, diễn ra ngày 28-2.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) phối hợp với tư vấn hỗ trợ kỹ thuật khẩn trương thực hiện xây dựng lộ trình chi tiết, làm rõ các vấn đề chuyên môn, tháng 6 cơ bản hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi để Ban Cán sự đảng Bộ GTVT xem xét chỉ đạo, đảm bảo lộ trình trình Chính phủ, Quốc hội vào năm 2019.


Bộ GTVT từng trình dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam nhưng bị Quốc hội bác với lý do chi phí đầu tư lớn. Trong ảnh, cao tốc Nhật Bản. Ảnh: Internet

Bộ trưởng yêu cầu nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải làm sâu sắc sự cần thiết đầu tư, đây là vấn đề được Quốc hội và cả xã hội quan tâm. Vì vậy phải có nhiều thông tin so sánh, có số liệu thống kê chuẩn về nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa nhằm thấy được hiệu quả của việc đầu tư. Đồng thời so sánh với vận tải đường bộ, hàng không, khái toán suất đầu tư, duy tu sửa chữa hàng năm, hao mòn của các thiết bị vận tải, an toàn giao thông, chi phí vé để khi đưa dự án vào hoạt động thấy được lợi thế hơn so với các hình thức giao thông khác và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Tư vấn cũng cần làm rõ ngay từ đầu loại tàu chở khách hay chở hàng; nghiên cứu kỹ công nghệ, tiêu chuẩn, điều kiện thiết kế. Bên cạnh đó lựa chọn tốc độ chạy tàu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, phương án suất đầu tư: “Nghiên cứu đề xuất thời gian phân kỳ đầu tư, hiệu quả kinh tế- xã hội, ảnh hưởng của dự án tác động đến môi trường, xã hội cho sự phát triển chung của cả nước. tính lan tỏa phát triển đô thị…", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Trước đó, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, TEDI đã báo cáo tình hình triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cho đến thời điểm hiện tại, tổng quan các nghiên cứu về đường sắt tốc độ cao, các nhóm vấn đề còn tranh luận…

Được biết, theo chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện hành, đến năm 2020, Việt Nam sẽ nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam. Trong đó, Chính phủ sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP HCM như các đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang.

Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h), đường đôi khổ 1.435 mm; điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai; ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h.

Theo Bộ GTVT, đơn vị đặt mục tiêu đến năm 2019-2020 sẽ trình Chính phủ dự án này để hoàn thành xây dựng vào năm 2030. Bởi sau thời điểm này, đường bộ cao tốc Bắc - Nam cũng sẽ đạt tới ngưỡng quá tải.

Liên quan đến dự án này, Bộ GTVT từng tiết lộ nếu làm tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Vinh (dài 300 km), chi phí đầu tư lên tới khoảng 15 tỉ USD.


DiaOcOnline.vn - Theo PLO