Đường sắt đô thị: Vẫn chậm tiến độ và đội vốn "khủng"

Cập nhật 21/11/2015 08:47

Theo quy hoạch đô thị, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị nhưng mới chỉ có 3 dự án đang được triển khai trên thực tế, các dự án khác vẫn đang trong giai đoạn nằm chờ, mặc dù tất cả các dự án đều sử dụng vốn vay nước ngoài, có thời hạn.


Các dự án đường sắt đô thị dù chưa hoàn thiện nhưng tổng mức đầu tư đều tăng vọt

“Điệp khúc” chậm tiến độ

Tất cả các dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) hiện đều đội vốn “khủng”, có tuyến dù vẫn nằm trong báo cáo tiền khả thi nhưng mới chỉ xem xét lại, mức tăng đã gấp nhiều lần so với báo cáo ban đầu.

Ông Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc Ban QLDA ĐSĐT Hà Nội cho biết, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội sử dụng vốn vay ưu đãi của Pháp. Tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 783 triệu euro, nhưng năm 2013, tổng mức đầu tư phê duyệt đã tăng lên 1,176 tỷ euro (tương đương 32.910 tỷ đồng), tăng 393 triệu euro. Trong đó vốn ODA cần bổ sung là 304,9 triệu euro, vốn đối ứng cần bổ sung là 88 triệu euro. Do tổng mức đầu tư đội lên quá lớn nên Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thẩm định lại. Dự kiến, tháng 1-2016 mới có thể hoàn chỉnh để thông qua việc tăng tổng mức đầu tư. Hiện dự án mới triển khai một số hạng mục như khu depot, các ga trên cao, khối lượng đạt từ 22-27%. Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, theo tiến độ, tuyến đường sắt này sẽ đưa vào vận hành trong năm 2018.

Dự án ĐSĐT Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5 km, dự kiến điều chỉnh tăng từ 11.555 tỷ đồng lên 51.700 tỷ đồng (dự kiến thực hiện từ 2009 - 2020). Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định lại dự án, báo cáo trước tháng 4-2016. Đáng nói, theo ông Nguyễn Quang Mạnh, đến năm 2016 Hiệp định vay vốn Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho  dự án sẽ hết hiệu lực, nếu không có gói thầu xây lắp nào thực hiện thì hiệu lực của khoản vay sẽ bị xem xét, đánh giá lại.

Vì vậy, việc triển khai dự án có thể còn rất khó khăn. Dự án điều chỉnh đã báo cáo Chính phủ từ tháng 10-2012, trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định từ tháng 1-2013. “Đề nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư triển khai một gói thầu depot để có thể giải ngân, làm cơ sở cho việc gia hạn vay vốn hợp đồng mà không phải đánh giá lại”, ông Nguyễn Quang Mạnh kiến nghị.

Đại diện JICA cho biết, dự án ĐSĐT tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã bị chậm 2 năm vì chờ xác minh, thẩm định tổng mức đầu tư. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã ký hợp đồng tư vấn để thực hiện việc này. “Hy vọng những động thái tích cực từ phía Chính phủ Việt Nam là cơ sở để JICA có thể tiếp tục gia hạn cho khoản vay dự án này”, đại diện JICA cho hay.

Theo đại diện các nhà tài trợ, hiện các dự án ĐSĐT trên địa bàn Hà Nội đều đang chậm so với hiệp định vay vốn, đặc biệt trong công tác GPMB, bố trí tái định cư và di chuyển các công trình.

Xem xét yếu tố đặc thù trong GPMB

Liên quan đến vấn đề chậm tiến độ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có 5 tuyến dự án đường sắt đang triển khai, gồm 3 tuyến do Hà Nội làm chủ đầu tư, 2 tuyến do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Trong đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ưu đãi của Trung Quốc dự kiến hoàn thiện vào năm 2016. Ngoài ra, Bộ GTVT còn làm chủ đầu tư dự án ĐSĐT tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi có chiều dài 15,36km, tổng mức đầu tư hơn 44.200 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam. Tiến độ thực hiện từ 2007-2020. Dự án này đang tạm dừng triển khai do liên quan đến nghi án nhận hối lộ từ Công ty tư vấn JTC của Nhật Bản.

Nhìn nhận việc chậm trễ tiến độ các dự án ĐSĐT có nguyên nhân chủ yếu do phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Hồng Trường khẳng định, sẽ báo cáo Chính phủ để có biện pháp tháo gỡ, bù lại tiến độ đã bị chậm. Song, lãnh đạo Bộ GTVT cũng mong muốn các nhà tài trợ xem xét đến yếu tố đặc thù của các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM trong việc GPMB để có hướng xử lý phù hợp. Bởi các tuyến ĐSĐT đang triển khai trên địa bàn Hà Nội đều đi qua khu vực đông dân cư sinh sống, việc GPMB, bố trí tái định cư rất khó khăn, cần có thời gian để giải quyết một cách thỏa đáng. “Những gói thầu vượt trần như vậy sẽ kiên quyết không làm, sẽ tăng cường đấu thầu quốc tế rộng rãi, tránh trường hợp chỉ bó gọn trong các nhà thầu của nhà tài trợ”, ông Nguyễn Hồng Trường cho hay.

Ngoài yếu tố đặc thù về GPMB, lãnh đạo Bộ GTVT cũng kiến nghị các nhà tài trợ chấp nhận công nghệ của Bộ GTVT trong dự án ĐSĐT, thống nhất dùng chung 1 loại thẻ vé điện tử có thể lưu hành trên tất cả các tuyến ĐSĐT. Hiện các tuyến ĐSĐT trên địa bàn Hà Nội sử dụng rất nhiều công nghệ như của Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ. 

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ đô