Đường sắt đô thị và cơ hội cho tư nhân

Cập nhật 10/11/2008 14:00

Trên 1,2 tỷ USD là tổng mức đầu tư dự kiến mà Chính phủ kêu gọi tư nhân đầu tư theo hình thức BOT vào dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 5 (Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hoà Lạc).

Đây là một trong 5 dự án đường sắt nội đô Hà Nội được đánh giá là có tính khả thi cao nhất về hiệu quả kinh doanh.

Tuyến đường sắt số 5 này dài 33,5 km gồm 22 ga với đường đôi khổ 1.435 mm, trong đó có 2,2 km đi ngầm và 22,35 km đi trên mặt đất, do liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (TRICC) và Công ty Dongrim - Hyewonkaci nghiên cứu và đề xuất xin được đầu tư theo hình thức BOT với thời gian thu hồi vốn trong vòng 50 năm (đến năm 2043).

Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 xây dựng 11,3 km và 22 ga với tổng mức đầu tư 574 triệu USD, giai đoạn 2 xây dựng số km và số ga còn lại của tuyến với tổng chi phí là 653 triệu USD. Dự kiến đến năm 2017, dự án hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần phân bố lại dân cư, giảm ách tắc giao thông tại Hà Nội.

Một trong những dự án khả thi nhất


Ông Vũ Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đây là một trong số 5 dự án mang tính khả thi cao nhất của tuyến đường sắt đô thị Hà Nội. Dự án sẽ mang lại những tín hiệu tốt trong đầu tư giao thông công cộng thủ đô trong thời gian qua và cũng là cơ hội tốt thúc đẩy cho các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng đường sắt.

Trước đó, theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đô thị của Thủ tướng Chính phủ, các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và Tp.HCM đến năm 2020 sẽ được đầu tư với tổng số vốn gần 15 tỷ USD (14.849 triệu USD).

Cụ thể, số vốn đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị Hà Nội (gồm đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, đường sắt quốc gia và đô thị) là 7 tỷ 345 triệu USD, trong đó vốn từ ngoài nước (bao gồm số vốn đã có hiệp định, cam kết và số vốn cần huy động) chiếm 5 tỷ 542 triệu USD và trong nước chiếm 1 tỷ 803 triệu USD.

Ông Đỗ Viết Chiến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Hà Nội cho rằng, dự án sẽ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển giao thông Hà Nội, là tuyến đường sắt đi xuyên sâu vào trong nội đô, giải quyết tốt cho vấn đề ách tắc giao thông tồn tại bấy lâu nay.

Theo nhiều chuyên gia, có thể nói dự án tuyến đường sắt số 5 là một trong những dự án khả thi nhất và là động lực thúc đẩy sự phát triển trong đầu tư vào hạ tầng đường sắt, lĩnh vực vốn tồn tại nhiều khó khăn thu hút vốn trong thời gian qua.

Ông Vũ Xuân Hồng cho biết, Việt Nam quy định mọi nhà đầu tư trong và ngoài nước đều được tham gia nghiên cứu, đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt và khai thác vận tải đường sắt. Nhà đầu tư không phải trả tiền thuê đất mà được Nhà nước hỗ trợ miễn phí đất xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt.

Riêng các công trình phụ trợ thì tỷ lệ hỗ trợ sẽ phải thực hiện theo Luật Xây dựng và các luật khác của Việt Nam. Theo ông Hồng, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư, các cơ quan hữu quan của thành phố Hà Nội để triển khai dự án. Các địa phương có đường sắt đi qua cần phối hợp thúc đẩy dự án sớm trở thành hiện thực.

Cơ chế và công tác giải phóng mặt bằng

Về mục tiêu của dự án, cũng như chiến lược phát triển của hệ thống đường sắt đô thị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức cho biết, cần phải giới thiệu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước về cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển của đường sắt đô thị đặc biệt là về tiềm năng phát triển của khu vực, ảnh hưởng của dự án và chính sách ưu đãi của Chính phủ trong hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đô thị.

Thông qua dự án này Chính phủ hy vọng sẽ nhận được những đề xuất thực hiện dự án từ các nhà đầu tư. Việc thương thảo các điều kiện sẽ được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo quyền, lợi ích của các nhà đầu tư và phía Việt Nam có được một tuyến đường sắt đô thị mới phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thủ đô.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng khả năng thu hồi vốn khó nên nhiều chuyên gia cho rằng, việc kêu gọi nhà đầu tư tư nhân là ưu tiên hàng đầu nhưng phải giải quyết ngay những vấn đề cấp bách về cơ chế và công tác giải phóng mặt bằng.

Theo đó, hiện tại Luật Đất đai chưa có qui định về sở hữu không gian ngầm, Luật xây dựng chưa có điều khoản nào nói về cấp phép xây dựng công trình ngầm. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng chưa ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ thống metro, xe điện mặt đất, xe điện trên cao.

Như vậy, khi trình thiết kế kỹ thuật các dự án trên, các cơ quan chức năng sẽ mất nhiều thời gian thẩm định và như vậy thời gian thi công công trình có thể sẽ bị kéo dài. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng nếu để ì ạch như dự án Nhổn - ga Hà Nội và nhiều dự án khác, sẽ là ngưỡng cản lớn đối với dự án và các công trình khác trong các dự án phát triển đường sắt đô thị.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy