Đường sắt đô thị: Đội vốn, chậm tiến độ

Cập nhật 15/05/2017 10:24

Hai tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội liên tục đội vốn, đang gánh nợ nhà thầu và lãi vay lớn, khó hoàn thành tiến độ đề ra

Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đầu tháng 10-2017, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đóng điện để vận hành thử toàn trên hệ thống nhưng đến thời điểm này vẫn chậm như… rùa.


Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khó thể hoàn thành đúng tiến độ

Dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD (gồm 169 triệu USD vay ưu đãi, lãi suất 3% và 250 triệu USD vay ưu đãi bên mua 4%), vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD). Thủ tục vay vốn bổ sung đối với phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD, dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 3 nhưng đến nay, phía Trung Quốc mới tiếp tục đồng ý cho vay.

Hiện tại, khối lượng xây lắp tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 90%. Trong đó, phần hạ tầng chạy tàu như trụ cầu khu gian, kết cấu các nhà ga... đã cơ bản hoàn thành. Với những gì đang diễn ra, dự án khó có thể xong đúng tiến độ vào tháng 10 tới.

Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt - Bộ GTVT cho rằng nếu tiếp tục chậm tiến độ, dự án sẽ đứng trước nhiều thách thức, trong đó có tình trạng đội vốn vì lãi suất tăng từng ngày. Cụ thể, với số vốn 669,62 triệu USD đã vay từ Trung Quốc, theo tỉ giá hiện nay tương đương 14.718 tỉ đồng, chỉ tính lãi vay thấp nhất (3%/năm), mỗi ngày dự án phải trả lãi ít nhất 1,2 tỉ đồng. Số lãi này chưa tính vốn đối ứng 198,42 triệu USD từ ngân sách để thi công dự án.

Đối với lần tăng vốn thêm 315,18 triệu USD (được đưa ra vào năm 2013, quyết định năm 2016) nêu trên, nguyên nhân chủ yếu cũng là do chậm tiến độ dẫn đến trượt giá và điều chỉnh thiết kế.

Theo Ban QLDA Đường sắt, hiện dự án đang nợ nhà thầu phụ 600 tỉ đồng. "Đơn vị đã lên kế hoạch lắp thiết bị từ tháng 3 nhưng do vốn tắc từ tháng 1 nên công việc chậm lại. Nếu có vốn sớm nhất, phải bù tiến độ thì cũng rất khó khăn" - đại diện Ban QLDA cho biết.

Trong khi đó, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cũng chưa hẹn ngày về đích. Toàn tuyến này dài 12,5 km, dự kiến đưa vào khai thác thương mại vào cuối năm 2018 nhưng đến giữa tháng 3-2017 chỉ đạt khoảng 30% khối lượng.

Ngoài chậm tiến độ, dự án này còn đội giá "khủng". Tổng mức đầu tư của dự án phê duyệt năm 2009 là 783 triệu euro, sử dụng vốn vay của Chính phủ Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Đến năm 2013, dự án được phê duyệt điều chỉnh lại với tổng mức đầu tư tăng thêm 393 triệu euro, nâng tổng mức đầu tư lên 1.176 triệu euro (tương đương 32.919 tỉ đồng).

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, xác nhận dự án chỉ có thể hoàn thành vào cuối năm 2021, tức là kéo dài thêm tối thiểu 36 tháng so với tiến độ điều chỉnh. Như vậy, ngay cả khi dự án được tháo gỡ toàn bộ vướng mắc để có thể về đích vào cuối năm 2021 thì tuyến metro này đã mất tới 12 năm (nếu tính từ khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt) và 11 năm (nếu tính từ khi dự án được khởi công).

Tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo "cầu cứu"

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT xin ý kiến về điều chỉnh thiết kế cơ sở tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Dự án này được phê duyệt vào tháng 11-2008 với tổng mức đầu tư ban đầu 19.555 tỉ đồng, theo tiến độ sẽ khai thác năm 2017. Tuy nhiên, đến nay, dự án chưa được khởi công, chỉ mới hoàn thành thẩm tra thiết kế kỹ thuật, phê duyệt thầu.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ