Công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc ở Việt Nam là công nghệ Shinkansen của Nhật Bản và có cập nhật, bổ sung để phù hợp với điều kiện Việt Nam. |
Theo lộ trình, đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ đưa vào khai thác sau năm 2036 với vận tốc 300km/h. Xét về mặt kinh tế, tuyến đường sắt này có thế mạnh vượt trội trong cự ly vận tải 300 - 500km so với vận tải hàng không và đường bộ.
Ngay từ bây giờ, công tác chuẩn bị đã được tiến hành theo từng phân đoạn. Được biết, sẽ có 30.000 tỷ đồng được đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng.
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo lần 6 về dự thảo báo cáo cuối cùng “Nghiên cứu toàn diện về phát triển bền vững hệ thống giao thông vận tải Việt Nam” gọi tắt là VITRANSS 2. Qua đó, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế (JICA) Nhật Bản đã báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải về tiến độ nghiên cứu toàn diện về phát triển bền vững hệ thống giao thông vận tải Việt Nam. Đồng thời, đề xuất lựa chọn công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc ở Việt Nam, tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng từng đoạn, tuyến của dự án đường sắt cao tốc này.
Theo ông Nguyễn Hữu Bằng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì trong năm 2009, Tổng công ty sẽ đề ra phấn đấu đảm bảo mức tăng trưởng doanh thu 8% trở lên, lợi nhuận tăng trên 5%, đồng thời, trình Quốc hội về quy hoạch toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ đưa vào khai thác sau năm 2036 với vận tốc 300km/h, có tổng chiều dài 1.570 km, với tổng mức đầu tư khoảng 55,85 tỷ USD. Đồng thời cải tạo đường sắt thông thường từ 60 km/h lên 100 km/h.
Đại diện của JICA (Nhật Bản) cho biết: Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC) đã đề xuất lựa chọn công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc ở Việt Nam là công nghệ Shinkansen của Nhật Bản và có cập nhật, bổ sung để phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đây là công nghệ được lựa chọn sau khi so sánh và phân tích 3 loại hình công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc tiên tiến trên thế giời là Shinkansen (Nhật Bản), TGV (Pháp) và ICE (Đức) với các tiêu chí về tốc độ, sự an toàn, tiện nghi cũng như tính đúng giờ, thân thiện với môi trường và năng lực vận tải.
Theo tính toán, khi đi vào vận hành, tuyến đường này sẽ tiết kiệm chi phí khai thác phương tiện lên tới 57%, chi phí thời gian đi lại giảm 17% và giảm 20% tai nạn giao thông đường bộ. Đồng thời dự án này sẽ thúc đẩy phát triển đô thị dọc đường sắt cao tốc, cũng như góp phần cải thiện tình trạng giao thông trên các tuyến đường bộ hiện có.
Một trong những vấn đề khó khăn nhất được đặt ra trong việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này là vấn đề chính sách, vốn và giải phóng mặt bằng. Với tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động, khó khăn lớn nhất đối với dự án này chính là nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Bởi lẽ, đây là một dự án lớn, sẽ được áp dụng theo cách Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Trong đó, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng (70%) sẽ do Nhà nước đảm nhận, vốn đầu tư mua sắm phương tiện (30%) sẽ do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đảm nhận.
Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ triển khai, ông Nguyễn Hữu Bằng cho biết: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự định sẽ chi trên 30 nghìn tỷ đồng là tổng chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Điều này, dựa trên những tính toán, khảo sát của Liên danh VJC gồm: Công ty Tư vấn đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải (TRICC) cùng 3 đối tác của Nhật là Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), Hiệp hội Dịch vụ kỹ thuật đường sắt Nhật Bản (JARTS) và Công ty Nippon Koei (NK).
Cũng theo Liên danh VJC, để thực hiện dự án này, diện tích phải giải phóng mặt bằng của dự án lên tới 4.170 ha đất, trong đó 9% là đất dân cư khu vực đô thị, 20% là đất dân cư khu vực nông thôn, số còn lại là đất nông nghiệp và đất rừng. Như vậy, sẽ có khoảng 16.500 hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng tuyến đường, trong đó 9.500 hộ sẽ bị mất đất ở và 7.000 hộ bị mất đất sản xuất. Riêng Tp.HCM có tới trên 1.700 hộ dân đô thị sẽ bị ảnh hưởng do mất đất ở để phục vụ dự án.
Tuy nhiên, để sớm ổn định cuộc sống cho người dân thì tổng công ty và các nhà thầu sẽ sớm hoàn thành việc đền bù và xây dựng những khu tái định cư mới, đồng thời, áp dụng triển khai xây dựng theo từng phân đoạn, trước mắt sẽ khai thác đoạn Hà Nội-Vinh và Tp.HCM-Nha Trang; năm 2030 sẽ đưa vào khai thác đoạn Vinh-Đà Nẵng. Toàn tuyến Hà Nội-Tp.HCM sẽ đưa vào khai thác năm 2035, kết hợp chạy 2 hình thức đan xen là tàu nhanh (5 giờ 38 phút) và tàu thường (6 giờ 51 phút).
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy