Đường đi tắt giúp Vũ 'Nhôm' thâu tóm 4 lô đất đắc địa ở Đà Nẵng

Cập nhật 30/01/2019 09:50

Bốn khu "đất vàng" đều vào tay công ty của Phan Văn Anh Vũ với nhiều ưu đãi thông qua văn bản đề nghị của công an.

Tại bản luận tội đọc sáng 29/1 tại TAND Hà Nội, Viện kiểm sát xác định Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") đã lợi dụng danh nghĩa thượng tá tình báo, chủ tịch hai công ty bình phong (Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79) của Bộ Công an, thông qua các văn bản nghiệp vụ để được thuê, nhận chuyển nhượng 7 bất động sản tại TP HCM và Đà Nẵng mà không qua đấu giá, được ưu đãi giá trái quy định Nhà nước... 7 lô đất giá 2.500 tỷ đồng, trong đó có 4 khu đất tại Đà Nẵng.

Cụ thể, từ năm 2009 đến 2016, Vũ được Phan Hữu Tuấn (cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục V - Tổng cục Tình báo, Bộ Công an), Nguyễn Hữu Bách (cựu phó cục trưởng Cục B61, Tổng cục V) duyệt các tờ trình gửi Bộ Công an, đề nghị Đà Nẵng tạo điều kiện cho công ty bình phong được mua bốn khu đất đắc địa nhằm phục vụ cho nghiệp vụ ngành. Tuy nhiên sau khi được thuê, mua Vũ đã sang tên mình, người thân hoặc liên kết chuyển nhượng ra ngoài để thu lợi bất chính.

Ngày 3/9/2009 (gần một tháng trước khi được chính thức tuyển dụng vào lực lượng công an - 10/2009) Vũ làm tờ trình gửi Chủ tịch UBND Đà Nẵng và Tổng cục V xin mua nhà đất 319 Lê Duẩn (rộng 800 m2). Khu đất là trụ sở Hợp tác xã mua bán của phường Tân Chính (quận Thanh Khê), nằm ngay ngã tư Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám trung tâm Đà Nẵng.

Hơn một tuần sau, UBND Đà Nẵng chấp thuận bán cho Công ty Bắc Nam 79 với giá hơn 6,8 tỷ đồng. Vũ xin giảm xuống còn 6,2 tỷ. Thành phố cũng đồng ý giảm hệ số sinh lợi cho công ty của Vũ từ 1,4 xuống 1,1 và hệ số ngã tư là 1,2. Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 còn được hưởng chính sách giảm 10% tổng số tiền sử dụng đất với điều kiện nộp đủ tiền trong thời hạn 30 ngày. Vũ nộp vào ngân sách số tiền 6,2 tỷ đồng (sau khi đã được giảm giá).

Ngày 29/3/2010, UBND Đà Nẵng chấp thuận cho chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất từ Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 sang tên người nhận là Phan Văn Anh Vũ. Hai ngày sau, Vũ đã hoàn tất biên bản thanh lý hợp đồng mua bán và là chủ khu "đất vàng" này.

                                   
Khu đất 319 Lê Duẩn đang được cho thuê mở tiệm bánh. Ảnh: Nguyễn Đông.

Theo cáo trạng, ngày 24/11/2009, Nguyễn Hữu Bách soạn văn bản, Phan Hữu Tuấn ký nháy để lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục đề nghị Chủ tịch UBND Đà Nẵng "tạo điều kiện" cho Công ty Bắc Nam 79 nhận quyền sử dụng khu đất hơn 3.260 m2 trên đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà).

Vũ nộp cho Công ty quản lý và khai thác đất Đà Nẵng hơn 17 tỷ đồng mua bất động sản này. Tuy nhiên, Vũ yêu cầu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Lê Văn Sáu (tên thứ hai của Vũ, được lãnh đạo Bộ Công an cho phép sử dụng trong hoạt động nghiệp vụ). Sau khi tách thửa khu đất thành 3 lô, Vũ cho người nhà thuê lại với giá 30 triệu đồng mỗi tháng.

Khu đất nằm gần cầu quay sông Hàn, vào giữa năm 2017 đã xây dựng trường mầm non tư nhân. Trong ký ức của nhiều người dân đây là điểm vui chơi mỗi dịp Tết đến. Thanh niên thoả thích đá bóng, chơi thể thao.

"Mong sao sau phiên xét xử, khu đất này sẽ được thu hồi và chuyển về công năng công viên như trước", một người dân nói.
                                   
Khu đất công viên số 908 Ngô Quyền. Ảnh: Nguyễn Đông.

Với lô đất thứ ba, vào đầu năm 2010, Bộ Công an có công văn gửi UBND Đà Nẵng, cho công ty của Vũ được nhận chuyển nhượng khu đất hơn 15.500 m2 thuộc dự án Vệt du lịch ven biển từ Vegas Resort đến Khu du lịch Bến Thành Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn) để xây dựng Khu trung tâm thương mại dịch vụ.

Sau nhiều lần giảm trừ, giá thuê đất được phê duyệt là 3,7 triệu đồng mỗi m2 và giảm trừ 10% số tiền sử dụng đất. Công ty Bắc Nam 79 nộp hơn 52 tỷ đồng.

Bốn năm sau, UBND Đà Nẵng giao đất cho Công ty Bắc Nam 79 đầu tư khu du lịch ven biển dưới hình thức nhà nước giao đất có thu tiền, thời hạn 50 năm. Hiện, dự án còn nằm trên giấy, cỏ mọc um tùm.

UBND Đà Nẵng mới đây đã tính đến chuyện thu hồi diện tích này để làm công viên, mở lối xuống biển. Tuy nhiên mọi việc tạm dừng lại do liên quan các sai phạm của Vũ "Nhôm" và đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch.
                                   
Khu đất ven biển hơn 15.500 m2 của Vũ "Nhôm". Ảnh: Nguyễn Đông.

Lô đất thứ tư, tháng 6/2014, Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách tiếp tục trình lãnh đạo Bộ Công an ký văn bản đề nghị Đà Nẵng cho Công ty Bắc Nam 79 nhận chuyển nhượng gần 4.000 m2 nhà đất tại 16 Bạch Đằng (trụ sở cũ của Sở Tư pháp) nhằm phục vụ yêu cầu xây dựng và phát triển tiềm lực của ngành. Tháng 12 cùng năm, UBND thành phố đồng ý cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 thuê khu đất này thời gian sử dụng 50 năm, trả tiền thuê đất một lần.

Theo cáo buộc của nhà chức trách, để đẩy nhanh tiến độ, ông Bách và Tuấn tiếp tục có công văn để ông Trần Việt Tân ký, đề nghị UBND Đà Nẵng xem xét giá thuê nhà đất cho Công ty Bắc Nam 79. Tuy nhiên, đến đầu năm 2016, Công ty quản lý nhà Đà Nẵng đã ký hợp đồng bán khu đất này, dù trước đó UBND đã phê duyệt giá thuê là 45 tỷ đồng.

Toàn bộ ngôi nhà Pháp cổ được san ủi nhằm phục vụ cho việc xây dựng dự án và hiện được rào chắn lại.
                                   
Khu đất 16 Lê Duẩn đã san ủi mặt bằng chờ triển khai dự án. Ảnh: Nguyễn Đông.

Khu đất nằm ven sông Hàn, đối diện với cảng sông Hàn cũ đang tấp nập tàu du lịch neo đậu, gần đó là trụ sở của hải quan. Sau khi hải quan dời trụ sở làm việc, Vũ "Nhôm" đã có văn bản nhờ Bộ Công an can thiệp để được nhận chuyển nhượng diện tích đất 3.000 m2. Song Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã không đồng ý.

"Khi đưa ra Thường vụ quyết thì các thành viên giơ tay hết, còn mình tôi không", ông Thơ kể trong buổi tiếp xúc cử tri hồi cuối năm ngoái và cho biết sau đó thành phố đã chấm dứt việc giao đất trực tiếp cho doanh nghiệp không qua đấu giá.

Cáo trạng xác định, 4 bất động sản ở Đà Nẵng bị bán, hoặc cho Vũ Nhôm thuê không thông qua đấu giá đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 750 tỷ đồng. Trong đó, riêng khu đất 15.500 m2 ở quận Ngũ Hành Sơn bị thiệt hại 435 tỷ.

Cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Phan Hữu Tuấn và cựu phó cục trưởng Cục B61 Nguyễn Hữu Bách đóng vai trò trong việc duyệt các tờ trình gửi Bộ Công an, đề nghị Đà Nẵng tạo điều kiện cho công ty bình phong của Vũ được mua lại các tài sản này.

VKS trong sáng 29/1 đã đề nghị phạt bị cáo Tuấn 7 năm tù, Bách 7-8 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh, Phan Văn Anh Vũ nhận mức án đề nghị cao cấp đôi, 14-15 năm tù. VKS đề nghị cấm các bị cáo Vũ, Tuấn, Bách đảm nhiệm chức vụ trong ngành công an từ 4 đến 5 năm.

Liên quan vụ án, cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành bị VKS đề nghị mức án 30-36 tháng tù, cựu thứ trưởng Trần Việt Tân mức án 36-42 tháng tù cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan công tố xác định đây là vụ án rất nghiêm trọng. Các bị cáo hầu hết là những người có chức vụ cao, quan trọng trong ngành công an nhưng đã không giữ được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh mà còn lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao giúp sức tích cực cho Vũ hoặc thiếu trách nhiệm để Vũ lợi dụng.

Vũ giữ vai trò chính, đã lợi dụng vị trí công tác; chủ động yêu cầu, chi phối hành vi của các đồng phạm khác đồng thời là người hưởng lợi toàn bộ số tiền thu lợi bất chính.
                                   
Thiệt hại tại bốn khu đất ở Đà Nẵng giao cho Vũ "Nhôm".

Liên quan sai phạm trong việc bán nhiều khu đất công cho Vũ "Nhôm", tháng 4/2018, ông Trần Văn Minh (63 tuổi, Chủ tịch Đà Nẵng 2006-2011), Văn Hữu Chiến (64 tuổi, Chủ tịch Đà Nẵng 2011-2014) bị khởi tố về các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai, theo điều 219 và 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Nguyễn Điểu (60 tuổi, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên môi trường thành phố Đà Nẵng); Trần Văn Toán (nguyên phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng) bị cáo buộc đồng phạm giúp sức cho hai cựu chủ tịch thành phố.


Diaoconline.vn – Theo VNExpress