Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương: Nguy cơ thiếu vốn, chậm tiến độ

Cập nhật 05/03/2009 10:55

Công trình đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã thi công đạt gần 80% khối lượng. Hiện công trình đang đứng trước nguy cơ không có tiền để thi công tiếp. Vì sao thiếu vốn? Trả lời vấn đề này, ông Dương Tuấn Minh - tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án) - cho biết:

- Dự án có tổng dự toán 9.884 tỉ đồng, ngân sách đã ứng khoảng 6.555 tỉ đồng, còn thiếu đến 3.329 tỉ đồng. Chúng tôi đã báo cáo Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài chính về nguồn vốn cho dự án. Đến tháng 3 này mà không có tiền cho dự án thì các nhà thầu sẽ không có tiền để thi công tiếp, gây ảnh hưởng đến toàn bộ tiến độ dự án.

* Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) mua lại quyền thu phí dự án để tiếp tục giải quyết vốn cho dự án. Việc này thực hiện đến đâu?

- Ngay từ đầu triển khai dự án này, Chính phủ có chủ trương tạm ứng vốn ngân sách thi công, trong quá trình thi công kêu gọi bán quyền thu phí để lấy tiền trả lại ngân sách và có tiền thi công tiếp dự án. Tháng 7-2007, BIDV có đề xuất lập đề án mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Chính phủ đồng ý khi đề án được thông qua thì BIDV mới chính thức mua dự án.

Theo đề án mua quyền thu phí, BIDV đề xuất mua 60% trong tổng số vốn 9.884 tỉ đồng. Một phần trong số đó BIDV vay vốn trong nước, còn lại vay vốn từ nước ngoài và được Chính phủ bảo lãnh. Phần vốn còn lại BIDV đề nghị Nhà nước hỗ trợ.



Ông Dương Tuấn Minh - Ảnh: N.Ẩn.

Thế nhưng trong phương thức mua, BIDV đề nghị mua chịu trong bảy năm đầu và sẽ trả dần số tiền mua trong tám năm tiếp theo, thời gian thu phí kéo dài 60 năm. Đề án mua quyền thu phí của BIDV còn đặt điều kiện: bên cạnh đặt trạm thu phí đường cao tốc, còn được thu ở trạm thu phí cầu Mỹ Thuận và trạm thu phí trên quốc lộ 1A đoạn giữa TP.HCM - cầu Mỹ Thuận.

Tôi cho rằng đề án mua quyền thu phí của BIDV không phù hợp với chủ trương ban đầu của Nhà nước là bán quyền thu phí ngay trong giai đoạn xây dựng để lấy tiền trả ngân sách tạm ứng và để có tiền thi công tiếp.

* Vậy các cơ quan thẩm quyền đã xem xét đề án thu phí ra sao?

- Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp với BIDV và các cơ quan chức năng. Bộ GTVT đã đề nghị BIDV có văn bản trả lời về việc huy động hơn 3.000 tỉ đồng để bảo đảm hoàn thành dự án đường cao ốc đúng tiến độ. Đồng thời yêu cầu BIDV trả lời trước ngày 30-11-2008, nhưng đến thời điểm đó BIDV không có văn bản trả lời. Do đó Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình bán quyền thu phí. Tôi được biết Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của các bộ liên quan như Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính... về vấn đề này.

* Ban quản lý dự án Mỹ Thuận có những kiến nghị gì xung quanh đề án thu phí?

- Chúng tôi đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần nhận dạng thực chất đề án mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương do BIDV lập để sớm có quyết định và tiếp tục huy động vốn cho dự án. Hiện tuyến quốc lộ 1A đang quá tải, yêu cầu rất cấp bách là hoàn thành tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đúng tiến độ.

Đề án mua quyền thu phí chưa khả thi

Ngày 8-12-2008, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết căn cứ nội dung làm việc với BIDV tại Hà Nội ngày 14-11-2008 cho thấy đề án mua quyền thu phí của BIDV chưa có dấu hiệu khả thi, khả năng đáp ứng vốn ngay (phần vốn 3.329 tỉ đồng còn thiếu) của BIDV rất khó khăn.

Xung quanh đề án mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương của BIDV, ông Hà Văn Bảy - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc VN (đơn vị được giao lập đề án) - cho biết: “Theo ý kiến từ Văn phòng Chính phủ, hiện nay đề án đang trong quá trình xem xét phê duyệt. Thẩm quyền phê duyệt thuộc Chính phủ. Ngày 17-2-2009, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn nhắc nhở, đề nghị công ty báo cáo để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đề án”.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO