Đường cao tốc kết nối chùm đô thị vệ tinh

Cập nhật 03/10/2009 08:05

Tuyến đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây có tổng mức đầu tư giai đoạn một hơn 932 triệu USD. Tuyến đường này được kỳ vọng sẽ góp đẩy nhanh sự hình thành các khu đô thị vệ tinh của TP.HCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Phú Mỹ, Xuân Lộc...
 


Hình thành tuyến cao tốc Bắc-Nam

Ngày 3-10, dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây chính thức được khởi công.

Là một phần của hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam, tuyến đường này dài gần 55 km, đi qua các quận 2, 9 (TP.HCM) và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Thống Nhất (Đồng Nai). Điểm đầu tuyến được xác định là nơi giao nhau của đường Lương Định Của với đại lộ Đông Tây (phường An Phú, quận 2, TP.HCM). Điểm kết thúc cách ngã ba Dầu Giây khoảng 2,7 km về phía Hà Nội (thuộc xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, Đồng Nai).

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 120 km/giờ. Toàn tuyến có một cầu lớn (cầu Long Thành, dài 1.700 m), 20 cầu vừa và nhỏ, ba nút giao cùng 13 vị trí vượt, chui khác mức. Dự kiến năm 2012, tuyến đường này được đưa vào khai thác giai đoạn một với bốn làn xe. Trong giai đoạn hai, dự án được mở rộng lên tám làn xe với nền đường rộng 42,5 m.

Dự án do Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, có tổng mức đầu tư giai đoạn một hơn 932 triệu USD, được vay từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Theo VEC, trên tuyến đường này có ba trạm thu phí (tại quận 9, điểm giao quốc lộ 51 và ngã ba Dầu Giây). Một trung tâm điều hành sẽ được đặt tại quận 9 để kiểm soát tình trạng giao thông, tốc độ xe, tai nạn, ùn tắc, cháy nổ... trên toàn tuyến. Dự kiến dự án sẽ hoàn vốn sau 20 năm khai thác.

Giải quyết nhu cầu cấp bách về giao thông

Theo dự báo, đến năm 2020, tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT)... sẽ hình thành những trung tâm công nghiệp lớn. Khi đó, một loạt đô thị lớn sẽ hình thành xung quanh TP.HCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Phú Mỹ (BR-VT)... Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Cường, Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT TP.HCM), vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đang chịu sức ép rất lớn từ quá trình phát triển, hạ tầng giao thông luôn trong tình trạng quá tải. Sự liên kết giữa giao thông đô thị TP.HCM với vùng hiện còn thiếu và yếu, không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Theo đơn vị tư vấn, đến năm 2030, lưu lượng xe qua đoạn TP.HCM-Long Thành đạt khoảng 182 ngàn xe/ngày đêm, còn đoạn Long Thành-Dầu Giây là gần 27 ngàn xe/ngày đêm. Ông Cường cho biết việc xây dựng tuyến đường cao tốc này sẽ giải quyết nhu cầu cấp bách về giao thông trên tuyến quốc lộ 1A đoạn Đồng Nai-TP.HCM. Đặc biệt, khi đại lộ Đông Tây và cầu Phú Mỹ chính thức thông xe toàn tuyến, tình trạng ùn tắc giao thông ở vùng giáp ranh giữa TP.HCM và Biên Hòa (Đồng Nai) sẽ càng thêm nghiêm trọng nếu không kịp thời bổ sung các tuyến đường khác.

Khi được đưa vào khai thác, đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây sẽ rút ngắn quãng đường từ TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long đi BR-VT hơn 20 km. Điều này tạo nhiều thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải (BR-VT) đồng thời còn sớm thúc đẩy việc hình thành và tạo điều kiện thuận lợi về sau cho hoạt động của cảng hàng không quốc tế Long Thành.
 

Để phục vụ dự án, TP.HCM phải giải tỏa khoảng 140 ha đất ở quận 2, 9. Tỉnh Đồng Nai cũng giải tỏa 414 ha đất ở bốn huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020, đây là tuyến đường hướng tâm đối ngoại, có năng lực thông xe lớn. Dự án giao thông quan trọng này tạo điều kiện thuận lợi và quan trọng để gắn kết ba trung tâm kinh tế lớn tại khu vực phía Nam là TP.HCM, BR-VT và Đồng Nai, đồng thời hình thành hành lang công nghiệp-kinh tế dọc theo tuyến cao tốc hướng ra hệ thống cảng Thị Vải, Vũng Tàu.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP