Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đang chuẩn bị dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam đoạn Ninh Bình - Thanh Hoá (Nghi Sơn).
Dự án này sẽ ưu tiên sử dụng kết cấu bê tông xi măng đến mức tối đa (sau khi có ý kiến thống nhất giữa 2 bộ GTVT và Xây dựng về các ưu điểm cũng như nhược điểm). Nếu dùng phương pháp đắp đường thông thường, với mặt cắt khoảng 50m, taluy 1/1 lên đến 150m, 1km đường đắp diện tích tăng gấp 3 lần. Nếu dùng giải pháp cầu cứng, dùng kết cấu 2 trụ bê tông, dưới lớp móng bê tông thì diện tích chiếm đất nhỏ, chưa kể đến việc đắp đất phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, khi trời mưa không thể thi công vì đất nhão không lu, lèn được, vì thế sẽ không chủ động trong công tác thi công.
Ưu điểm của đường bê tông xi măng còn được thể hiện ở chỗ có tuổi thọ cao, thích nghi tốt với địa hình ngập úng, ma sát mặt đường cao, đồng thời kích cầu tiêu thụ xi măng trong điều kiện xi măng có thể dư thừa trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là thời gian thi công lâu, gây tiếng ồn khi xe chạy, chi phí ban đầu cao. Đây cũng chính là điều mà dự án đã tính tới, chính vì thế sẽ không dùng bê tông xi măng trong 121km toàn tuyến mà ưu tiên sử dụng kết cấu bê tông tối đa.
Với quy mô cũng như nguồn vốn rất lớn, tổng mức đầu tư bình thường (mặt đường không phải là bê tông) cho cả giai đoạn khoảng 29.834 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 khoảng 24.511 tỷ đồng (chi phí xây dựng 15.795 tỷ đồng), giai đoạn 2 khoảng 5.323 tỷ đồng (chi phí xây dựng 3.694 tỷ đồng). Nếu đầu tư mặt đường bằng bê tông thì khối lượng bê tông mặt đường toàn tuyến khoảng 2 triệu m3 (khoảng 1 triệu tấn xi măng), khả năng hoàn vốn từ thu phí là khó khả thi (sơ bộ theo đề xuất dự án nếu giá thu phí cao bình quân gấp 4,8 lần như hiện nay thì thời gian thu hồi vốn dự kiến là 25 năm).
Để đảm bảo tính khả thi của dự án, VICEM đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép dự án được hưởng một số cơ chế, chính sách ưu đãi như: miễn trừ tất cả các thuế nhập khẩu cho công trình và các khoản thuế nội địa trên lãnh thổ Việt Nam; nhà nước hỗ trợ cho vay ưu đãi toàn bộ kinh phí đền bù cho công tác giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn; được kinh doanh xăng dầu các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới, quảng cáo, bưu chính viễn thông và các dịch vụ khác tại các khu dịch vụ nghỉ ngơi dọc tuyến; được độc quyền đầu tư thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng dọc tuyến làm các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất theo quy hoạch; được chủ động trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu…; được chủ động điều chỉnh tổng mức đầu tư trong trường hợp có thay đổi đột biến về giá cả, nguyên vật liệu; được miễn trừ các nghĩa vụ đảm bảo thực hiện hợp đồng BOT; được Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho phần vốn vay của dự án và đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhà đầu tư khi có những biến động về môi trường đầu tư.
Chính phủ đang xem xét những kiến nghị của VICEM, hy vọng dự án sẽ sớm được triển khai thực hiện góp phần phát triển giao thông và cũng là phát triển kinh tế đất nước.
" Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam đoạn Ninh Bình - Thanh Hoá (Nghi Sơn) có chiều dài khoảng 121km (trong đó có 3 cầu lớn và 2 hầm đường cao tốc) với tiêu chuẩn đường cao tốc loại A tốc độ thiết kế 120 km/h, các đoạn địa hình khó khăn thiết kế 80 - 100 km/h; điểm đầu tuyến trùng với điểm cuối DA đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, điểm cuối tuyến giao với đường ngang nối từ cảng Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh (khoảng Km381); đường rộng 8 làn xe (có tính khả năng mở rộng 12 làn xe), mỗi làn rộng 3,75m; dải phân cách giữa rộng 3 - 6m, dải dừng xe khẩn cấp rộng 3m. Tầng mặt bê tông nhựa, móng cấp phối đá dăm."
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng