Được giải cứu, BĐS vẫn chưa thỏa mãn

Cập nhật 04/02/2013 08:53

Trong Nghị quyết 02 đã đề cập rất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Nhiều doanh nghiệp BĐS đã hồ hởi với hy vọng thị trường sẽ khởi sắc nhanh chóng. Tuy nhiên, dường như đối với họ như thế vẫn chưa đủ.

DN chê quá trễ


Ngay sau khi Nghị quyết 02, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Vnrea) đã có báo cáo Bộ Xây dựng về thực trạng thị trường BĐS và hàng loạt kiến nghị kèm theo với mong muốn Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành sớm cụ thể, chi tiết hóa các "gói" giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhằm "cứu" ngay thị trường BĐS bởi càng để lâu khó khăn càng tăng lên. 

Không chỉ thế, theo ông Nguyễn Quang Nam, Tổng giám đốc CFTD, những quyết sách giải cứu cho thị trường BĐS lẽ ra phải đến sớm hơn hoặc là từ cách đây 6 tháng, hoặc một năm về trước. Bởi thị trường BĐS thường có độ trễ, do vậy chính sách giải cứu đó phải mất một thời gian mới có thể tác động làm biến chuyển của thị trường.

Hơn nữa, cũng theo ông Nam, một trong những chính sách giải cứu được đưa ra đó là chính sách bơm tiền để giải cứu thị trường BĐS bằng cách hỗ trợ người mua. Tuy nhiên, vấn đề "bơm" như thế nào, ai "bơm", hay người mua sẽ phản ứng như thế nào và thực sự có đến được với người mua nhà hay không vẫn chưa có phương án cụ thể.

Còn Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, ông Nguyễn Văn  Đực, cho rằng những giải pháp cứu thị trường BĐS đã bắt đúng "bệnh" song chưa kịp thời. Do đó "cách trị" đã trễ một năm nên hậu quả rất khó lường.

"Trước mắt, các cơ quan chức năng nên tập trung vào hai giải pháp mà trước tiên là hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà. Nếu lãi suất được hỗ trợ ở mức hợp lý, thời gian lâu dài và ổn định thì người dân mới dám chi tiền để mua nhà thời điểm này", ông Đực đề xuất.

Cũng theo ông Đực, cơ quan chức năng cũng nên nhanh chóng hoàn thiện quy định, chính sách cho chủ đầu tư chia nhỏ căn hộ, xây dựng nhà diện tích nhỏ.

"Sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị có thể chia nhỏ căn hộ nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể. Nói như vậy là bởi, nhiều doanh nghiệp hiện rất sợ độ trễ trong quá trình làm thủ tục xin giấy phép đầu tư thi công. Thông thường, phải mất khoảng 6 tháng mới có thể xin giấy phép thi công, cộng thêm từ 2 đến 3 tháng cho việc sửa chữa và chia nhỏ căn hộ. Do vậy, nếu như quy định và thủ tục được hoàn thiện từ đầu năm 2013 thì phải cuối năm 2013 mới có căn hộ diện tích nhỏ đi vào thực tế. Như thế là quá trễ", ông Đực phân tích thêm.


Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, nếu đi vào cụ thể, chính sách hỗ trợ không phải đã gỡ được nhiều cho doanh nghiệp.

"Thực tế Chính phủ đang nghiêng về giải quyết nhà ở xã hội và nhà thu nhập thấp... mà cái đang "chết", đang nằm tồn kho lại nằm ở phân khúc căn hộ cho người có thu nhập trung bình hoặc nhà giá cao. Đó cũng là cái khó của những chính sách hỗ trợ. Nếu đi vào cụ thể từng dự án thì những chính sách hỗ trợ chưa phải là giải quyết được thấu đáo, không phải là đã gỡ được nhiều cho doanh nghiệp", ông Hiệp nói.

Ông Phạm Trung Hà, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Hòa Phát cho rằng, tháo gỡ cho không thì chưa đủ, mà tháo gỡ cho người mua nhà là những người tiêu thụ sản phẩm đó. Với những đối tượng này thì hỗ trợ cho họ có thể được vay với lãi suất vay ưu đãi, ổn định, trong khoảng thời gian dài để người dân tin tưởng và tham gia được.

Chưa "bắt đúng bệnh"?

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, những biện pháp giải cứu cho thị trường BĐS nếu áp dụng thì cũng sẽ có tác dụng cho 1 bộ phận doanh nghiệp bđs, ví dụ những doanh nghiệp hiện đang nợ tiền ngân sách như tiền sử dụng đất, thuế VAT... Tuy nhiên, chúng ta không nên đặt vấn đề giải cứu thị trường BĐS bởi vì chúng ta không đủ sức để có thể cứu được thị trường này  nếu như nó đổ vỡ vì những nguyên nhân cốt lõi.

Theo phân tích của ông Ánh thì, cái chính là phải xử lý vấn đề của thị trường BĐS hiện nay đó là sự phát triển quá nóng của thị trường khiến giá BĐS bị đẩy lên quá cao, vượt ra ngoài khả năng thanh toán tạo nên bong bóng trên thị trường BĐS. Thêm vào đó, cơ cấu BĐS bị lệch pha, doanh nghiệp chạy theo sản phẩm BĐS trung cao cấp trong khi nhu cầu thực lại chủ yếu tập trung ở phân khúc nhà giá rẻ, nhà thu nhập thấp hay nhà ở xã hội. Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng của thị trường BĐS đó là cho đến nay vẫn chưa có 1 thị trường tài chính dài hạn cho thị trường BĐS.

"Do đó, những giải pháp giải cứu thị trường BĐS chưa động chạm đến vấn đề cốt lõi của thị trường. Vì vậy, nên để cho thị trường tự giải quyết và Nhà nước chỉ hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể để kéo được mức giá BĐS xuống phù hợp với các đối tượng mà họ có khả năng chi trả", ông Ánh nói.

Còn theo GS Đặng Hùng Võ, những giải pháp giải cứu BĐS cũng phải minh bạch và công bằng, chứ không phải là cứu một đại gia BĐS nào đó, hoặc một vài đại gia BĐS nào đó.

"Việc cân đối lại nguồn cung nhà giá thấp, cao cấp, dừng dự án không phù hợp, chuyển đổi công năng nhà cao cấp, chia nhỏ giá trị thanh toán... mà Bộ Xây dựng đưa ra là giải pháp rất cơ bản, quan trọng. Các giải pháp đưa ra là đủ và trúng, vấn đề còn lại là ưu tiên thế nào?", ông Võ đặt câu hỏi.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF