Đừng vì vài tỉ USD mà làm hỏng đại cuộc lâu dài

Cập nhật 12/03/2008 08:00

Là người tư vấn cho Cục Hàng hải VN lập dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành đã dành cho phóng viên Báo giới cuộc trao đổi thẳng thắn về sự chọn lựa nào cho Khu kinh tế Vân Phong.

* Liệu chúng ta có khả năng đầu tư để Vân Phong thành một cảng trung chuyển quốc tế thật sự, thưa ông?

Khả năng đầu tư không thành vấn đề. Đây là cảng trung chuyển quốc tế, sử dụng cảng này không chỉ riêng VN mà còn là những công ty hàng hải mạnh. Họ đã có phương tiện và tổ chức vận chuyển quản lý tốt, họ sẽ đầu tư vào vì thấy vị thế cực kỳ tốt. Còn VN cũng phải gắng làm sao để tổ chức công việc của chủ nhà kêu gọi đầu tư vào.

Vốn đầu tư vào một cảng như thế này không chỉ 5-10 tỉ USD mà lớn hơn nhiều, thậm chí vốn 20 tỉ USD cũng là chuyện trong mười năm đầu. Nước chủ nhà phải có một chương trình kế hoạch phát triển hợp lý, biến một tài nguyên hiếm và lớn như vậy thành hiện thực.



Ông Bùi Kiến Thành.

* Điều đó vẫn còn ở dạng tiềm năng. Còn hiện tại có nhiều nhà đầu tư ngỏ ý đầu tư vào Vân Phong chưa?

Tôi đã trình bày với Nhà nước rằng muốn kêu gọi các nhà đầu tư vào những dự án lớn cần có nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường trước vì các dự án lớn tác động đến môi trường rất nhiều. Không có một tổ chức lớn nào trên thế giới như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á có thể ủng hộ đầu tư vào những dự án mà gây thiệt hại về môi trường.

Nếu không có bản báo cáo đánh giá tác động môi trường thật nghiêm túc thì rất khó tìm các nhà đầu tư bỏ tiền làm vì người ta sẽ không được các cơ quan tài chính ủng hộ. Điều này rất quan trọng. Quan trọng là mình có đất lành để người ta tới, thấy đầu tư có hiệu quả kinh tế cao là họ sẽ tới. Theo tôi biết Vân Phong chưa có một báo cáo nghiên cứu tổng thể như vậy mà mới ở dạng sơ khai.

* Thật ra chúng ta đã có qui hoạch phát triển Vân Phong. Theo ông, qui hoạch đó phù hợp chưa?

Qui hoạch vừa rồi Bộ Xây dựng làm cũng mới là sơ khởi, mới là qui hoạch từng vùng chứ chưa thật sự là qui hoạch chi tiết. Tôi cũng đã nhiều lần góp ý là chúng ta nên có một bộ phận tư vấn quốc tế cùng làm việc. Những việc gì mình chưa có kinh nghiệm thì thuê tư vấn quốc tế làm để có tính chất khách quan và khoa học hơn.

Như vậy, người muốn đầu tư vào mới nghĩ đây không phải là chuyện nhỏ. Thậm chí qui hoạch một quận của TP.HCM cũng thuê tư vấn quốc tế thì không có lý do gì qui hoạch một thành phố Vân Phong gấp rưỡi Hà Nội mà không có khả năng làm một nghiên cứu khoa học mang tính chiến lược.

Điều quan trọng là qui hoạch phát triển của Vân Phong (dựa trên sự phát triển của một cảng lớn sẽ hình thành một khu đô thị lớn) không chỉ về kinh tế mà còn liên quan đến môi trường, văn hóa, xã hội. Rất nhiều vấn đề cần làm trong một thành phố cảng mà có khả năng trở thành một trung tâm thương mại - tài chính của đất nước.

* Có ý kiến cho rằng xây dựng nhà máy thép sẽ thu ngân sách nhanh hơn và tạo việc làm cho lao động nhanh hơn là chờ cảng trung chuyển quốc tế hình thành. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Nghĩ như vậy là hi sinh những cái rất lớn để làm những cái rất nhỏ. Người có trách nhiệm về hoạch định kinh tế phát triển vĩ mô của đất nước không phải cho thế hệ này mà cho thế hệ mai sau nữa thì ta phải suy nghĩ khác: phải tôn trọng quyền lợi của đất nước lên trên hết chứ không phải là quyền lợi của một nhóm nào hay một giai đoạn kinh tế nào.

Vấn đề nữa là làm cái gì trong một địa thế như Vân Phong thì phải quan tâm tới tác động môi trường. Phía trên Vân Phong là Đà Nẵng, dưới là Ninh Thuận. Đây là bờ biển đẹp nhất ở Đông Á chứ không phải chỉ VN, vùng biển đẹp, ấm quanh năm. Kèm theo đó là rất nhiều sinh vật biển độc đáo, cực kỳ quan trọng.

Chúng ta làm cảng ở đây cũng phải cẩn thận huống chi là nhà máy thép. Nếu nói VN cần 50-70 năm để phát triển kinh tế đuổi kịp các nước thì cũng không bao lâu, nhưng khi đã hủy hoại môi trường rồi thì trong hàng ngàn năm cũng không thể nào cứu vãn được. Cho nên không vì một dự án 5-10 tỉ USD mà làm hỏng cả đại cuộc lâu dài của đất nước.

Phải bảo vệ Vân Phong!

Tôi là một người đã sống và làm việc tại vịnh Vân Phong hơn mười năm nên hiểu khá rõ về môi trường sinh thái khu vực này. Vịnh Vân Phong là một vịnh kín gió, cảnh quan thiên nhiên và sự đa dạng sinh học không nơi nào trong khu vực có thể có được.

Vịnh Vân Phong lại như một lòng chảo hay một cái hồ lớn, vì vịnh không có bất cứ dòng sông, suối hoặc một dòng chảy nào đổ vào hoặc thoát ra, cùng với sự che chắn rất tốt của bán đảo Hòn Gốm nên môi trường ở đây không bị ô nhiễm và đặc biệt là không bị bồi lắng nên vẫn luôn giữ được độ sâu tối thiểu từ 20-25m.

Vì vậy, nếu có bất cứ tác động nào dù nhỏ hay lớn đến khu vực này thì vấn đề ô nhiễm sẽ không tránh khỏi và rất khó xử lý do các chất thải sẽ không bao giờ thoát ra được. Trước đây, việc xây dựng cảng biển đã gây không ít lo ngại cho vấn đề môi trường rồi, bây giờ lại "thép lấn cảng".

Ông Phạm Chí Cường (chủ tịch Hiệp hội Thép VN): Cần cân nhắc tổng thể

Ngành thép biết đến Tập đoàn thép Posco là một nhà đầu tư Hàn Quốc mạnh về tài chính và họ cũng công bố có công nghệ Finex thân thiện môi trường. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được kiểm chứng bằng đánh giá tác động môi trường khi dự án được trình duyệt chính thức. Và cần có ý kiến của những người làm qui hoạch cảng biển. Nếu không, rất khó có lựa chọn chuẩn xác.

Tôi cũng xin nói thêm nhiều nhà đầu tư của ngành thép nhòm ngó khu vực bán đảo Hòn Gốm - vịnh Vân Phong, song người ta thấy cần để nơi đó khai thác lợi thế về cảng biển và du lịch. Ngành luyện gang thép từng có ý định làm ở khu vực Quảng Ninh thì lập tức những người trong ngành nghĩ ngay đến cảnh quan vịnh Hạ Long và ngành du lịch ở đây. Lúc đó cũng có ý kiến ngược nhau một thời kỳ nhưng rồi cuối cùng ngành thép phải rút lui khỏi nơi đấy.

Tất nhiên phải thấy rằng ngành thép cũng mang lại lợi ích cho đất nước và dự án thép của Posco là một dự án cụ thể, nhà đầu tư này có tiềm lực. Chúng tôi mong muốn Chính phủ có sự cân nhắc mang tính tổng thể, chứ lâu nay thấy có dự án là hầu hết được chấp nhận. Ngoài ra, cần cân đối điện, nước, hạ tầng liên quan chứ không nên bất kỳ đối tác nào đến địa phương nào cũng được chấp nhận. Qui hoạch mất rất nhiều công sức, trình duyệt, nếu không sẽ bị phá vỡ.

Khi chúng tôi tiến hành điều tra, làm việc với các tỉnh để làm qui hoạch cho ngành thép thì thấy rằng ở Khánh Hòa hay vịnh Vân Phong đã ưu tiên phát triển cảng biển, cảng trung chuyển quốc tế container, du lịch… Vì vậy, trong qui hoạch ngành thép mà chúng tôi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không có những dự án xây dựng nhà máy thép ở Khánh Hòa.

Theo Tuổi Trẻ