Đừng quy hoạch “cắt khúc” dọc đại lộ Đông Tây !

Cập nhật 24/07/2009 08:35

Ảnh chụp đoạn đường đi qua địa bàn quận Bình Tân. Ảnh: T.Thạnh.

Nếu không sớm quy hoạch lại nhà cửa trên toàn tuyến đường, đại lộ Đông Tây sẽ rơi vào cảnh thiếu đồng bộ.

Đại lộ Đông Tây là tuyến đường xuyên tâm TP đi qua quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh-TPHCM. Tuyến đường này không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông mà còn tạo ra những giá trị kinh tế và tinh thần to lớn dọc theo tuyến, nhất là về mỹ quan đô thị sau khi hình thành. Chính vì vậy, việc quy hoạch nhà cửa dọc theo tuyến đường này là điều vô cùng cần thiết và cấp bách.

“Chiếc áo mới đầy mảnh vá”

Đại lộ Đông Tây có từ 6-12 làn xe, dài gần 22 km và được xem là tuyến đường hiện đại nhất TP từ trước đến nay. Ngoài ra, khi hoàn thành, đại lộ Đông Tây được đánh giá là tuyến đường đẹp và giá trị hơn hẳn những tuyến đường đắt giá ở trung tâm TP như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... Trong những năm tới, TP sẽ phát triển về hướng Nam (ra phía quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè). Lúc đó, đại lộ Đông Tây được ví như xương sống phân chia TP một cách cân xứng. Giá trị của đại lộ Đông Tây càng được nâng lên khi tuyến đường này nối với đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây trong tương lai.

Nếu không quy hoạch đại lộ Đông Tây từ bây giờ, có thể nhà cửa sẽ mọc lên tràn lan mạnh ai nấy xây.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, dù con đường này đang băng băng về đích thì hiện tại nhà cửa hai bên đường còn khá nhếch nhác, chắp vá với vô số kiểu thiết kế khác nhau. Có đoạn là đồng trống mênh mông, có đoạn tồn tại những ngôi nhà cổ, nhà lụp xụp, nhiều đoạn mọc lên những ngôi nhà cao tầng kiên cố, đặc biệt có nhiều kho bãi dọc kênh ở quận 4, quận 8, quận 6. Với thực trạng như vậy, nếu không quy hoạch lại nhà cửa trên toàn tuyến đường này, đại lộ Đông Tây sẽ khoác lên mình một “chiếc áo đầy mảnh vá”!

Phải nhanh chóng quy hoạch

Ý thức được tầm quan trọng của tuyến đường nên TP quyết tâm quy hoạch đại lộ Đông Tây thành điểm nhấn của TP. Nếu để nhà cửa mọc tràn lan sẽ phá hỏng cảnh quan tuyến đường, đại lộ Đông Tây sẽ rơi vào tình trạng “xấu xí”. Một số đề xuất đã được đặt ra cho việc quy hoạch tuyến đường này.

Quận 5 vẫn giữ cảnh quan như hiện có và sẽ được cải tạo lại đẹp hơn. Khu vực quận 4, quận 6, quận 8 có nhiều kho bãi trống, quỹ đất dồi dào nên các công trình công cộng sẽ được “đặt, để” vào đây một cách hợp lý. Còn quận Bình Tân, huyện Bình Chánh sẽ cho phát triển nhà ở nhằm kéo dãn dân, giảm áp lực nhà ở trong khu vực trung tâm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những điểm nhấn của đại lộ Đông Tây chính là khu vực quận 8. Từ đại lộ Đông Tây nhìn qua kênh Tàu Hũ sẽ thấy quận 8 trước mặt. Hiện tại khu vực này nhà cửa cũng khá lụp xụp. Nếu quy hoạch quận 8 không “ngon” thì từ đại lộ Đông Tây nhìn qua, không ít người sẽ “xốn mắt” khi nhìn thấy những khu nhà lố nhố.

Mỹ quan khu vực quanh đại lộ Đông Tây vì thế sẽ bị nát theo. Hiện tại, việc quy hoạch nhà cửa dọc hai bên tuyến đại lộ Đông Tây vẫn do quận, huyện tự quyết. Theo các chuyên gia, nếu cứ quy hoạch theo kiểu “cắt khúc” như vậy thì nguy cơ kiến trúc không đồng bộ trên tuyến đường này sẽ rất cao.

Chính vì quyết tâm phải giữ bằng được cảnh quan khu vực dọc theo tuyến đường này, tại cuộc họp chiều 23-7, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo các quận, huyện và các đơn vị có liên quan phải tổng hợp số liệu cụ thể liên quan đến tuyến đường, đồng thời thống kê quỹ đất dọc hai bên tuyến đường, từ đó truy ra nơi quản lý để nhanh chóng tiến hành quy hoạch. Bên cạnh đó, TP cũng nhấn mạnh hướng phát triển dọc theo đại lộ Đông Tây là ưu tiên phát triển các công trình công cộng, phúc lợi xã hội, cụm đô thị công nghệ cao...

 

Không thể chậm chân

Nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng việc quy hoạch đại lộ Đông Tây vào thời điểm này được xem là kịp lúc, nếu để thêm một thời gian nữa sẽ trễ và rất có thể đi vào vết xe đổ của việc quy hoạch thất bại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi.

Khi xây dựng tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi, các cơ quan liên quan chỉ nghĩ đến việc cần một con đường từ sân bay Tân Sơn Nhất đi vào TP nhanh chóng chứ không nghĩ đến những giá trị đằng sau nó. Việc quy hoạch tuyến đường này phải mất thời gian khoảng 9 tháng, nhưng do “đẻ non” quy hoạch đã khiến việc quy hoạch đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi không đi đến đâu. Người dân mạnh ai nấy xây, hậu quả là tuyến đường xuất hiện đầy rẫy những nhà to, nhà nhỏ, nhà siêu mỏng, cao thấp lố nhố với đủ thứ kiến trúc.
 

 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động