Gần đây, dư luận lại "nóng" chuyện dự án bất động sản (BĐS) có tiền chênh lệch, một tín hiệu cho thấy thị trường BĐS đã qua giai đoạn "đóng băng", giao dịch nhúc nhích tăng trở lại.
Cơ quan quản lý cho rằng, việc thị trường BĐS có dấu hiệu khởi sắc là kết quả của hàng loạt chính sách gỡ khó cho nhà đầu tư, khơi thông tín dụng, ngân hàng… "Ăn" theo thị trường BĐS, các ngành sản xuất vật liệu, xây lắp cũng có việc làm, hồi phục theo.
Tuy nhiên, những người có nhu cầu sở hữu một căn nhà thật sự lại lo ngại bởi sở hữu một căn nhà có khi phải tích lũy cả chục năm, nếu tiếp tục bị nhóm đầu cơ "đẩy" lên mong muốn có chỗ "chui ra chui vào" sẽ càng xa. Vậy, thực chất sự hồi phục thị trường là gì và những người có nhu cầu thực sự có cơ hội sở hữu nhà hay không?
Báo cáo của nhiều tư vấn độc lập về BĐS cho thấy, số lượng nhà ở phân khúc trung, cao cấp bán được tăng nhanh. Xu hướng đầu tư BĐS ngắn hạn nở rộ trở lại phần nhiều do thanh khoản của phân khúc căn hộ, trong đó phân khúc căn hộ cao cấp có biên độ lợi nhuận lớn. Rõ ràng đây không phải là phân khúc của đa số những người muốn sở hữu thực mà là của giới "đầu cơ" hoặc số ít người có tiền.
Ở những dự án đang "sốt" hiện nay, người mua luôn bị bủa vây bởi "cò" nhà. Họ tạo ra ma trận thông tin kiểu như ông A vừa mua xong bán lại đã kiếm được chênh lệch; bà B mua lại của ông A ít ngày, bán đi cũng kiếm được một khoản… khiến người mua, nếu không tỉnh táo, sẽ bị rơi vào "bẫy" tưởng như dự án bán rất nhanh không quyết định ngay sẽ mất cơ hội. Không ít chủ đầu tư tiếp tay cho môi giới bằng cách thông tin cho khách hàng dự án đã bán hết rồi giới thiệu số điện thoại của "cò" cho khách. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, nếu không có giải pháp kiểm soát, rất có thể thị trường lại rơi vào tay của giới "đầu cơ".
Một thực tế nữa là thống kê của ngành chức năng cho thấy, hàng tồn kho BĐS giảm liên tiếp nhiều tháng qua; trên lý thuyết đồng nghĩa với việc những dự án vốn ngừng trệ nay đã giao dịch. Nhưng số liệu đó có đủ tin cậy, khi được tập hợp từ báo cáo của chủ đầu tư và sàn giao dịch? Tại Hà Nội, hàng loạt dự án ở Hà Đông, Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai… không khó để nhận thấy vẫn trong tình trạng để hoang.
Thị trường BĐS hồi phục là tín hiệu tốt, nhưng cũng đừng quên việc rất quan trọng là kiểm soát nó, không để phát triển nóng, tạo ra "bong bóng". Thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư phát triển đô thị, trong đó có yêu cầu phát triển theo quy hoạch, kế hoạch. Cùng với đó, Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển nhà ở xã hội, loại hình nhà ở phù hợp với đa số nhu cầu thị trường và thị trường vẫn còn đang thiếu.