Đừng “ngó lơ” nhà ở xã hội cho thuê

Cập nhật 12/12/2017 15:57

Nhu cầu thuê nhà rất cao tại các đô thị lớn như TPHCM, nhưng hiện trên thị trường không có nhiều dự án bài bản phát triển loại hình này.

Một dự án căn hộ thương mại cho thuê giá rẻ (khoảng 1,5 triệu đồng/tháng) được phát triển tại TPHCM. Ảnh: Cao Ban

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, hiện có 81.000 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đa phần các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê nhà ở xã hội, chiếm tỷ lệ 65-94%.

Nắm bắt nhu cầu lớn này, TPHCM nhanh chóng hình thành và phát triển thị trường phòng trọ với nhiều loại hình và mức giá khác nhau. Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, các hộ gia đình và cá nhân đã cung cấp cho thị trường các khu nhà trọ, phòng trọ, giải quyết đến khoảng 87% nhu cầu thuê phòng trọ của sinh viên, công nhân lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư. Tuy nhiên, các phòng trọ này thường không đảm bảo chất lượng và an ninh.

Hiện một số doanh nghiệp tại TPHCM cũng bắt đầu thực hiện những dự án nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ. Điển hình như Công ty Lê Thành đã xây dựng hơn 2.000 căn hộ thương mại cho thuê giá rẻ (1,5 triệu đồng/tháng) và đang triển khai dự án 930 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Hiệp hội này kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm doanh nghiệp được đầu tư phát triển phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25m2/phòng, để đáp ứng nhu cầu và tạo ra sự cạnh tranh để các cá nhân, hộ gia đình nâng cấp chất lượng và dịch vụ phòng trọ, nhà trọ hiện nay.

Đồng thời, Nhà nước cũng có thêm chính sách để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện loại nhà này như được tạm hoãn chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án, được giảm thuế VAT còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, có chính sách tín dụng ưu đãi...

Mặc dù vậy, Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) đã có văn bản trả lời, không đồng ý cho phép doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25m2.

Đánh giá về quá trình thực hiện nhà ở xã hội thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng chương trình này đã thất bại. Nhà ở xã hội với giá khoảng một tỉ đồng/căn chỉ được bán cho một số đối tượng nhất định, có thu nhập ổn định với thủ tục hết sức phức tạp. Trong khi đó, người nghèo thực sự, có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng không thể nào tiếp cận được loại nhà này, kể cả nhờ gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỉ đồng.

“Nhà ở xã hội dù rất rẻ, chỉ 100-200 triệu đồng/căn ở Bình Dương, nhưng tới 30-40% người nghèo tại đây vẫn không thể đáp ứng nổi, phải đi thuê. Để giải quyết bài toán nhà ở này, không còn cách nào khác là phải phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Điều này Bộ Xây dựng đã nhiều lần soạn thảo nhưng đều không đưa ra được kết luận. Mà nếu không có quy chế thì chắc chắn không doanh nghiệp nào làm”, ông Đực bày tỏ.

Ngoài ra, dù có nhiều ưu đãi nhưng các thủ tục hành chính liên quan đến thiết lập dự án và xây dựng nhà ở xã hội hết sức phức tạp khiến chủ đầu tư tốn nhiều thời gian. Đó là chưa kể biên độ lợi nhuận thấp, doanh nghiệp cũng không tự quyết định được giá bán, giá cho thuê mà phải theo một mức trần do địa phương quy định, nên không chủ động được chiến lược đầu tư.

Theo ông Đực, cần sớm ban hành quy định cho phép xây nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 25m2, đa dạng hóa các loại hình nhà ở và nguồn lực, không nên chỉ phụ thuộc vào một nguồn vốn ngân sách. Chính bằng sự thay đổi quan điểm của cơ quan nhà nước, người thu nhập thấp sẽ có nhiều cơ hội mua nhà, không phải thông qua chương trình nhà ở xã hội, hay bất cứ sự ưu đãi nào từ phía chính quyền.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG