TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, có thể thị trường bất động sản còn khó khăn vài năm nữa, nhưng xu hướng chung hiện nay là “nghỉ ngơi” và chuẩn bị cho một làn sóng tăng trưởng mới. Tuy nhiên, đừng nuôi hy vọng rẻ như cơm tấm để mua gom.
Việc bất động sản giảm giá thời gian qua là do một số công ty “đói” vốn chứ không phải bức tranh chung của thị trường. Trong khi một số ít doanh nghiệp bán tháo sản phẩm thì cũng có những người muốn giữ bất động sản (BĐS).
Chu kỳ giảm giá đã đi qua
Tại hội thảo cơ hội nào cho thị trường BĐS năm 2012 tổ chức cuối tuần qua, ông Nghĩa cho biết, thực tế bong bóng BĐS chỉ xì hơi tạm thời do chính sách lãi suất thắt chặt chứ không phải nhà kinh doanh xả bán. Tại các nước châu Á, giảm giá bán không phải xả hàng mà do thắt chặt tiền tệ, làm giảm tạm thời cầu của hàng hóa. Rõ nhất là ở Trung Quốc, Singapore… những người găm giữ BĐS dù không giao dịch được nhưng họ không xả hàng. Còn tại nước ta, thời gian trầm lắng hơn 4 năm, giá giảm khá nhiều và chu kỳ giảm giá sẽ đi qua.
Thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ phục hồi giữa năm nay. Ảnh: Nguyễn Sơn.
GS Đặng Hùng Võ phân tích thêm, BĐS Việt Nam ít nhất có 3 lần sốt giá, một lần vào những năm 1991 – 1993, lần hai vào 2001 - 2003, lần cuối vào năm 2007. Tuy nhiên, 2 lần đầu khác với lần cuối là do lúc đó nền kinh tế bắt đầu mở cửa. Lần sốt sau cùng có yếu tố thị trường hơn. Cứ sau mỗi lần sốt đất giá đất tăng lên 5 - 10 lần, có nghĩa là tăng từ 500 - 1.000%. Và từ năm 2008 đến nay thị trường giảm mạnh.
Theo ông Võ, không có hiện tượng bán tháo như nhiều người lầm tưởng mà chỉ hạ giá ở những dự án xấu có tính thanh khoản kém. Khi bài toán lạm phát thành công, chính sách tiền tệ linh hoạt hơn thị trường BĐS sẽ phát triển trở lại. Tuy nhiên ông Võ cũng khuyến cáo, để tăng nhanh tính thanh khoản, nhà đầu tư phải minh bạch sản phẩm của mình trước để khách hàng tin tưởng, còn các nhà làm chính sách đưa ra những giải pháp phù hợp nhất.
Sắp có “sóng” mới?
Ông Nghĩa cũng cho biết, bản thân ông đã tiếp rất nhiều tập đoàn nước ngoài tìm cơ hội đầu tư vào BĐS Việt Nam. Nhưng hầu hết họ lại có tư tưởng “đợi cho BĐS rẻ mới gom vào như từng đã xảy ra tại một số nước trên thế giới”. Nhưng chuyên gia này phân tích rằng kinh tế châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn trên đà tăng trưởng, nên hoàn toàn không có chuyện “rẻ như cơm tấm” và “họ đã cho biết sẽ xem lại chiến lược đầu tư”. Ông Nghĩa còn cho rằng, sắp có “sóng” trên thị trường, dự kiến sẽ vào quý II/2012.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng một loạt động thái của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… cho thấy họ bắt đầu nới lõng chính sách tiền tệ. Cụ thể Ngân hàng Trung ương Trung Quốc 2 lần giảm dự trữ bắt buộc và có động thái bơm tiền vào chứng khoán và BĐS. Mỹ duy trì lãi suất bằng 0. Trong khi châu Âu cũng đang tìm cách ổn định thanh khoản các ngân hàng thương mại. Các chuyên gia nhận định dòng tiền đầu tư lớn sẽ đổ vào các nước châu Á trong thời gian tới.
Còn tại Việt Nam, CPI 2 tháng đầu năm là 2,2%, dự kiến tháng 3 là 0,5 - 0,6%, như vậy cả quí I, CPI sẽ khoảng 3%. Trong khi đó thông thường chỉ số của này của quí I hằng năm chiếm 1/2 của cả năm. Như vậy, theo nhận định của các chuyên gia, lạm phát năm 2012 ở mức 7 - 7,2%. Một lý do nữa là cuối tháng 12/2011, Chính phủ đã có chỉ thị riêng cho thị trường BĐS và đang trình Thủ tướng việc thành lập Ngân hàng chuyên cho vay để phát triển, mua bán nhà ở cùng với các hình thức huy động vốn cho lĩnh vực này. Với những thông tin này, thị trường sẽ phát triển tốt từ quí II.
Tuy nhiên, ông Đặng Hùng Võ khuyến cáo, thị trường BĐS hồi phục không có nghĩa là những hàng tồn kho, với giá cao có thể bán được. Mà chỉ có những dự án giá trung bình, thấp mới được đón nhận. Hiện chính sách của chính phủ vẫn đang hướng đến hỗ trợ những dự án ở phân khúc này, chứ không hỗ trợ BĐS chỉ phục vụ cho giới đầu cơ.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt