Dũng lò vôi tố chủ tịch tỉnh, mẹ Cường đô-la tuyệt vọng

Cập nhật 27/10/2013 11:00

Đâm đơn tố cáo lãnh đạo tỉnh của dân lợi dụng quyền hạn; Đánh dân chảy máu, thách dân đi kiện; mẹ Cường đô-la vẫn tuyệt vọng trong khi tỉ phú nước ngoài nhanh chân rậm rịch vào mua cổ phần ngân hàng, mua bảo hiểm, nợ xấu.... Đó là những diễn biến của giới đại gia Việt tuần này.

Đại gia tố Chủ tịch tỉnh

Chiều 21/10, ông Huỳnh Uy Dũng - chủ Khu du lịch Đại Nam đã gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tố cáo ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về hành vi không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu chức năng thuộc Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 3.

Ông Dũng cho rằng, việc chậm trễ trong việc phê duyệt quy hoạch suốt 7 năm qua khiến dự án ngưng trệ, ông Lê Thanh Cung phải chịu trách nhiệm.


Vợ chồng Dũng "lò vôi"

“Xin hãy làm đúng lương tâm và trách nhiệm được giao, không nên tìm mọi cách gây phiền hà cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đừng vì lợi ích cá nhân và “nhóm lợi ích” mình đang sở hữu đặt lên trên lợi ích chung” - đơn tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng viết.

Tuy nhiên, theo trả lời của ông Võ Văn Lượng – Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương: Tỉnh vẫn chưa nhận được “đơn tố cáo” của ông Huỳnh Uy Dũng  cũng như sự chỉ đạo từ trung ương.

Trước mắt, UBND tỉnh đang chỉ đạo tổng rà soát về dự án, ai đúng, ai sai, kết quả toàn diện sẽ được tỉnh gửi bằng văn bản chính thức đến cơ quan ngôn luận.

Cư dân đổ máu vì yêu cầu đối thoại

Tiếp nối chuỗi thông tin kiện tụng của các đại gia là thông tin đại gia bị dân kiện lại.

Cụ thể, ngày 26/10 cư dân mua nhà chung cư Đại Thanh tập hợp yêu cầu chủ đầu tư là đối thoại.

Hàng trăm khách mua nhà tại Khu đô thị Đại Thanh ở Cầu Tó (Thanh Trì, Hà Nội) đã mang băng-rôn, khẩu hiệu tập trung trước Sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh (Linh Đàm, Hà Nội) để yêu cầu chủ đầu tư  dự án là Doanh nghiệp Tư nhân Số 1 Lai Châu do ông Lê Thanh Thản làm Tổng giám đốc  đối thoại và làm rõ những thắc mắc của khách hàng liên quan đến diện tích, thuế VAT cũng như các loại phí vô lý...

Cư dân Đại Thanh bị đánh chảy máu

Nhưng ở đây đã xuất hiện một nhóm người lạ mặt, ngăn chặn, thu giữ máy ảnh, thậm chí theo phản ánh nhóm người này còn xịt hơi cay, xịt sơn, thậm chí có người trong ban đại diện cư dân bầu ra để đối thoại với chủ đầu tư còn bị nhóm người lạ đánh chảy máu mặt.

Điều khiến người dân thất vọng chính là ứng xử thiếu đàng hoàng của chủ đầu tư. Từ khi xảy ra những bất đồng thay vì đứng ra đối thoại, giải quyết với dân thì chủ đầu tư lại trốn biệt.

Gói 30.000 tỉ và bức xúc của mẹ Cường đô la

Lại liên quan đến tiền, cứ ngỡ khi gói tín dụng 30.000 tỉ cứu BĐS được triển khai sẽ có nhiều doanh nghiệp, người dân được tiếp cận, thị trường BĐS có cơ hội khởi sắc.

Tuy nhiên, trong gần 5 tháng triển khai cũng mới chỉ giải ngân được 0,5% gói vốn này, nhiều đại gia vẫn bức xúc vì chưa được gỡ khó.
Ngày 22/10, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) lại tiếp tục đưa vấn đề này ra mổ xẻ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết, trước tiên là sự chậm chạp từ chủ trương tới việc triển khai.

Với Công ty Quốc Cường Gia Lai, đang xin chuyển một dự án tại huyện Nhà Bè sang làm nhà ở xã hội, đã ba tháng nay đi lại trình hồ sơ nhưng vẫn chưa được duyệt.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai, cho biết mỗi ngày công ty phải trả lãi 200 triệu đồng, nên buộc lòng công ty phải bán lỗ để tháo vốn, bởi chậm ngày nào ngân hàng ăn hết vốn ngày đó.

Nhiều bức xúc về gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ vẫn không cứu được doanh nghiệp

Nước ngoài rậm rịch tham gia nắm mạch máu tài chính

Trong khi đại gia Việt đang rơi vào thế cùng đường, bán lỗ để tháo vốn trả lãi ngân hàng thì các tỷ phú nước ngoài lại thò chân nhòm ngó thị trường Việt Nam.

Trong đó có thị trường bảo hiểm. Tập đoàn của tỷ phú Richard Li, con trai người giàu nhất Hồng Kông Lý Gia Thành, cho rằng thị trường bảo hiểm của một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, rất hấp dẫn.

Ông Ronald Arculli, Chủ tịch FWD Group, công ty bảo hiểm thuộc Pacific Century Group, cho biết, trong thời gian tới Pacific Century sẽ theo đuổi các mục tiêu thâu tóm hoặc lập quan hệ chiến lược đối tác và xin cấp phép hoạt động mới, ông Arculli cho hay.

Theo ông Lipman, tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm “còn chưa được phục vụ đầy đủ” ở Indonesia, Việt Nam và Philippines là rất hấp dẫn.

Cùng với thị trường bảo hiểm, trước đó cũng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia mua nợ xấu ngân hàng của Việt Nam với đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải được rõ ràng và đảm bảo hơn.

Tại Hội Nghị Các Nhà Đầu Tư Vinacapital 24/10, các doanh nhân của Vinacapital, một quĩ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhận định rằng sẽ có nhiều cơ hội đầu tư nảy sinh trên thị trường Việt Nam một khi nợ xấu được giải quyết và lĩnh vực bất động sản bắt đầu có thanh khoản đối với những căn hộ có giá trị thấp.

Sau khi nghe các nhà đầu tư bày tỏ ý muốn tham gia vào việc mua bán nợ xấu của Việt Nam nhưng nhận thấy hãy còn khá nhiều trở ngại, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói rằng Việt Nam sẽ điều chỉnh thủ tục pháp lý phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nước ngoài có thể tham gia vào tiến trình xử lý nợ xấu trong nước.

Trước đó, một chuyên gia tài chính quốc tế, ông Neil Hagan, từng cho rằng chuyện ngân hàng Việt Nam ngập nợ xấu và cơn khủng hoảng thị trường bất động sản là cơ hội cho giới đầu tư ngoại quốc trở lại nếu như chính phủ Việt Nam mời đón họ.

Hiện tại việc mua bán nợ xấu của các ngân hàng sẽ thông qua Công Ty Quản Lý Tài Sản VAMC do Chính phủ quyết định thành lập.

Theo TS.Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên Ban cố vấn của Chính phủ cho biết,

“VAMC mới ra đời hơn một tháng nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã chờ ở cửa, xếp hàng để mua nợ xấu của Việt Nam, nhiều hơn cả mong đợi của chúng ta. Trong số đó, có những nhà đầu tư lớn của thế giới như Blackstone Group”.

TS Nghĩa cho biết, dự kiến từ giời đến cuối năm VAMC có thể mua tới 50.000 tỷ - 60.000 tỷ nợ xấu từ các ngân hàng thương mại”, TS.Nghĩa nói.

Một cuộc kiểm tra, truy thu 10 ngàn tỷ tiền thuế

Thông tin đáng mừng cho nguồn ngân sách nhà nước nhưng lại không mấy vui vẻ với các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi các đại gia Việt hết đi kiện tụng, đánh nhau vỡ đầu, kêu than bức xúc vì đụng chạm đến quyền lợi, túi tiền thì Bộ Tài chính vừa cho biết:

Tính đến hết quý III, ngành thuế đã hoàn thành thanh tra thuế tại 5.404 doanh nghiệp. Truy thu 9.628 tỷ đồng, góp phần giải tỏa bớt khó khăn cho ngân sách đang thiếu hụt. Con số tăng thu này tương ứng gần 3% so với tổng thu nội địa 9 tháng vừa qua.

Đến hết tháng 9, các doanh nghiệp đã nộp hơn 6.679 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng số thuế phải nộp.
So với cùng kỳ năm trước, tổng số thuế đã nộp bổ sung của doanh nghiệp tăng 11%.
 
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt