Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Vinaland cho biết: "Đất dự án Q.2, Q.9 và một số dự án tại Nam Sài Gòn đang có chiều hướng giảm giá từ 5-10%. Đặc biệt, trong mấy ngày qua nhà đất được bán ra nhiều hơn nhưng số lượng giao dịch giảm khá nhiều so với trước đây.
Tình hình này do những nhà đầu tư "ôm" nhiều nhà đất lo ngại ảnh hưởng của một số chính sách mới sắp được ban hành nên bắt đầu rao bán bớt. Một số khác đang nghe ngóng để lượng định kế hoạch đầu tư.
Ông Võ Đình Quốc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư BĐS An Bình cho biết: "Hiện một số nhà đầu tư thứ cấp ồ ạt bán ra, còn một số thì vẫn án binh bất động. Việc can thiệp vào thị trường bằng thuế lũy tiến sẽ nảy sinh nhiều bất cập: có nhiều căn nhà không đăng ký thì đánh thuế ra sao; nếu tính hạn mức là 100m2/hộ gia đình như dự thảo mới đây của Bộ Xây dựng, các loại nhà như biệt thự, căn hộ có diện tích 300 - 400m2 tính thuế ra sao? Những vấn đề này phải được giải quyết hoàn thiện và công bố trước, mới có thể áp dụng chính sách thuế công bằng được".
Theo ông Trần Minh Hoàng: "Nhà nước cần xác định rõ và chính xác mục tiêu mà chính sách thuế đưa ra cần phải đạt được. Nếu đặt mục tiêu tăng thu ngân sách hoặc phân phối, san sẻ lại các lợi ích kinh tế trong kinh doanh BĐS thì có thể áp dụng thuế thu nhập, thuế tài sản từ BĐS nhưng đồng thời phải chấp nhận giá BĐS sẽ tăng vì một phần chi phí về thuế sẽ được cộng vào giá BĐS. Đó là quy luật thị trường".
Còn ông Lê Khắc Phục, giám đốc kinh doanh một công ty địa ốc cho rằng: "Theo tôi, đánh thuế lũy tiến để ngăn chặn đầu cơ là cần thiết nhưng cần phải có lộ trình. Không phải vì một vài hiện tượng xảy ra mà không cân nhắc kỹ khiến cho thị trường trở lại tình trạng "đóng băng" như mấy năm trước".
Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu nhận định: "Tôi đồng ý với việc đánh thuế lũy tiến BĐS. Tuy nhiên, cần phải tính toán kỹ và hoàn thiện cơ chế chính sách, nên đưa ra vào lúc nào để không trở thành một "cú sốc" cho thị trường. Có như vậy, thuế mới trở thành công cụ tạo sự công bằng xã hội, đem lại nguồn thu cho ngân sách và nếu chính sách đúng cũng là đòn bẩy cho phát triển kinh tế.
Nhà nước cần phải có những giải pháp đồng bộ, nếu không người có nhu cầu nhà ở sẽ phải gánh chịu khoản thuế mà Nhà nước đánh vào giới đầu cơ. Bởi theo quy luật thị trường, thuế cao thì giá sản phẩm hàng hóa sẽ cao, bất kể đó là loại hàng hóa gì".
Theo ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm Đăng ký nhà đất và tài nguyên - môi trường TP.HCM: Hiện nay, theo phân cấp nếu chủ sở hữu đề nghị cấp giấy chứng nhận và đăng ký nhà đất tại quận nào thì chỉ có quận đó biết. Vì vậy, nếu cùng một chủ sở hữu nhưng đăng ký 5 BĐS ở 5 quận khác nhau thì "bó tay".
Ông Liên thông tin thêm: "Đó là chưa kể cùng một chủ sở hữu nhưng đăng ký nhiều BĐS ở nhiều tỉnh thành khác nhau cũng không có cách nào kiểm tra để đánh thuế lũy tiến".
Theo ông Liên, muốn đánh thuế lũy tiến, nhất thiết phải tổ chức lại hệ thống đăng ký BĐS một cách thống nhất, liên thông với nhau không chỉ trong phạm vi một địa phương mà phải trên phạm vi cả nước.
Còn trước mắt, nếu muốn đánh thuế lũy tiến để ngăn chặn đầu cơ nhà đất thì có thể áp dụng theo cách: Doanh nghiệp sau khi cho khách hàng đăng ký mua nhà đất lần đầu phải tiến hành đăng ký danh sách với một cơ quan chuyên trách, sau đó nếu chuyển nhượng lần 2, lần 3 thì phải thông qua cơ quan này và sẽ bị điều tiết phần thuế chênh lệch nộp vào ngân sách.