Dửng dưng với tin đồn

Cập nhật 14/06/2012 16:15

Dù có nhiều yếu tố tích cực, nhưng thị trường bất động sản khu vực phía Bắc Hà Nội vẫn chưa lại sức sau cơn sốt ảo năm 2011.

Trở lại các huyện Đông Anh, Mê Linh (TP. Hà Nội) sau 1 năm “sốt ảo” hoành hành, giá đất nền tại các khu vực này vẫn chưa hồi sức. Thời điểm này năm ngoái, giá đất ở đây tăng tới 30 - 50%, có vị trí đắt ngang khu vực nội thành Hà Nội. Cơn sốt chỉ kéo dài 2 tháng rồi vỡ bong bóng, để lại hàng trăm nhà đầu tư mắc kẹt.

Mặc dù huyện Đông Anh vừa được UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 2269/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch Phân khu đô thị N5, tỷ lệ 1/5.000, với tổng diện tích hơn 1.000 ha thuộc địa bàn 4 xã, thị trấn của huyện, trong khi hệ thống ngân hàng cũng đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay, song thị trường đất nền ở khu vực này vẫn rất ảm đạm.

Tại huyện này, đất nền khu vực quanh cầu Nhật Tân vào điểm đầu năm 2011 có mức giá 80 - 100 triệu đồng/m2, hiện chỉ còn 40 triệu đồng/m2 mà không có giao dịch. Giá đất tại các xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Nam Hồng, Tiên Dương, Vân Nội cũng giảm từ 15 - 50% so với thời điểm sốt giá.

Tương tự, giá đất tại Mê Linh - một trong những huyện có nhiều dự án đô thị lớn nhất Hà Nội, cũng đang đóng băng, giá giảm mạnh. Mấy năm trước, Mê Linh là một đại công trường, với nhiều dự án rất lớn, như các khu đô thị Minh Giang - Đầm Và, Tiền Phong, Phúc Việt, Chi Đông, AIC…, nhưng từ đầu năm đến nay, phần lớn các dự án này đều bỏ hoang, nhà thầu rút khỏi dự án. Giá đất nền tại các dự án này đã giảm từ mức đỉnh 18 - 23 triệu đồng/m2, còn 8 - 11 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Hải Lâm, Giám đốc Sàn bất động sản Ngọc Hùng cho biết, từ đầu năm đến nay, có rất ít giao dịch bất động sản thành công ở khu vực Đông Anh, Mê Linh. Nguyên nhân là do giá đất đã tăng vọt khi có tin đồn khu vực này sắp thành quận, là địa điểm di dời 7 trường đại học, bệnh viện… Tuy nhiên, khi đó, các đối tượng mua bán chỉ là giới đầu cơ mua đi bán lại với nhau, chứ không phải là người có nhu cầu ở thực. Khi cơn sốt qua đi, mặt bằng giá bất động sản đã ổn định, rất nhiều nhà đầu cơ bất động sản mắc kẹt, thậm chí bán rẻ cũng khó.

Ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, người dân bắt đầu thận trọng trong chi tiêu nói chung, đặc biệt là khi quyết định mua một khối tài sản có giá trị lớn như bất động sản. “Người mua hiện không còn tin vào những lời quảng cáo hay lời rỉ tai theo kiểu tin đồn như trước đây. Họ đã quá hiểu thị trường, nên rất thận trọng”, ông Trung nói.

Có thể thấy, đầu năm nay, có rất nhiều tin đồn rằng, khu vực phía Bắc sẽ tiếp tục sốt với sự hình thành của một số quận mới, việc di chuyển trung tâm tài chính Hà Nội, các trường đại học, bệnh viện…, song đến nay, giá đất khu vực này không những không tăng, mà còn tiếp tục giảm. Rõõ ràng, thời của bất động sản ăn theo quy hoạch và tin đồn đang giãy chết. Bất động sản đang trở về với giá trị thực và người mua đang có nhiều lựa chọn. Họ đã không dễ bị sa vào những cái bẫy giăng sẵn của giới đầu cơ như nhiều năm trước.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư