“Đừng để quy hoạch chồng lấn quy hoạch”

Cập nhật 01/06/2018 14:44

Tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến quy hoạch sáng nay (1/6), nhiều ĐB cho rằng Dự thảo Luật có nhiều điểm chồng chéo.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch bao gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.

ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị)

ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) bày tỏ mong muốn có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, thống nhất để khắc phục tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch, quy hoạch treo gây rất nhiều hệ lụy xấu trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, ĐB Đồng cho biết tại điều 5 của Luật Quy hoạch quy định hệ thống quy hoạch quốc gia gồm có: quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Phụ lục 2 Luật Quy hoạch quy định: Quy hoạch xây dựng là một trong 38 loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

“Tuy nhiên, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng quy định, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là 2 quy hoạch thuộc quy hoạch xây dựng, điều đó là trái với luật Quy hoạch”, ông phân tích.

Hay như việc dự thảo luật sửa đổi Luật Xây dựng quy định, quy hoạch xây dựng gồm có quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện.

Theo ĐB Đồng, ở cấp tỉnh trong dự thảo có thêm 2 từ xây dựng để có tên là Quy hoạch xây dựng tỉnh, nhưng phạm vi và nội dung quy hoạch lại trùng lặp hoàn toàn với phạm vi và nội dung Quy hoạch tỉnh được quy định tại điều 27 của luật Quy hoạch.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra nhiều nội dung thuộc các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác như giao thông, cấp thoát nước, môi trường... cũng được quy định trong sửa đổi Luật Xây dựng là không phù hợp, trái với Luật Quy hoạch.

Tương tự, ĐB Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) cũng cho rằng vấn đề điều chỉnh quy hoạch chưa được quy định rõ ràng.


Đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị)

“Hiện chưa có tiêu chí nào để xác định khi nào thì được điều chỉnh  quy hoạch mà chỉ ghi là "ảnh hưởng không lớn". Chính vì quy định chưa rõ ràng mà từng xảy ra sự tùy tiện, thậm chí là lợi ích nhóm trong điều chỉnh quy hoạch, dẫn tới hệ lụy lớn”, ĐB Sinh nói.

ĐB Sinh đã đưa ra ví dụ, do không có tầm nhìn quy hoạch dài hạn nên đường vành đai 1 từ Kim Liên đến Hoàng Cầu mới (quận Đống Đa, Hà Nội) mới trở thành đường "đắt nhất hành tinh" và khả năng khi con đường này nối dài đến Cầu Giấy cũng sẽ không kém phần đắt đỏ. Phải bỏ tới 3/4 tiền đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng chính là vì quy hoạch không có tầm nhìn.

Cũng theo ĐB Đỗ Văn Sinh, trong 13 luật liên quan đến Luật Quy hoạch thì có Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị đang có những vấn đề chồng chéo và chưa rõ ràng.

Cụ thể, trong phần sửa đổi Luật Xây dựng có quy định quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch xây dựng tỉnh, vùng liên huyện và huyện. Trong khi đó, Luật Quy hoạch đã quy định toàn bộ vấn đề này. Trong Luật Quy hoạch cũng đã có hết các quy định chi tiết của các ngành kỹ thuật, trong đó xây dựng chỉ là một trong 38 ngành đó. Nhưng Luật Xây dựng lại quy định một lần nữa.

"Sự chồng lấn này là không quán triệt nguyên tắc trong Luật Quy hoạch", đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) cũng cho rằng, thông qua dự án luật để giảm thiểu xung đột với Luật Quy hoạch hiện hành.

“Hiện nay các cơ hội đầu tư trên cả nước muốn triển khai được thì phải thông thoáng về quy hoạch. Trong khi đó, quy hoạch của ta đang chồng chéo nên đương nhiên việc đầu tư sẽ bị chậm trễ. Dự luật cần thiết thông qua trong kỳ họp này để giúp nền kinh tế phát triển”, ĐB Dũng nhấn mạnh.

Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu khác cũng cho rằng, Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019; theo đó, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước. Quy hoạch vùng thì phải phù hợp quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh thì phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia. Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay Luật chưa có hiệu lực, quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng chưa rõ ràng, trong khi đó một số tỉnh, thành phố như Đà Nẵng đang tiến hành triển khai các thủ tục có liên quan đến điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy, việc điều chỉnh quy hoạch chung của một tỉnh, thành phố hay của một khu vực sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới đây. Do đó, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần phải nghiên cứu kỹ các điều luật sửa đổi liên quan đến quy hoạch, có tổng kết, đánh giá, bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN