Đừng để lãng phí "tấc vàng"

Cập nhật 26/01/2010 08:15

Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng” này, tiếc thay vì nhiều nguyên nhân, nhiều “tấc đất" tại các đô thị lớn, nhiều địa phương, khu vực vẫn chưa thể tạo ra "tấc vàng”...

Lợi dụng kẽ hở của Luật Đất đai 2003 khi chưa đưa ra tiêu chí cụ thể xác định nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp, một số địa phương đã giao hoặc cho doanh nghiệp thuê đất tùy tiện với hiệu quả kinh tế thấp.
 

Ảnh minh họa


“Tấc đất, tấc vàng” mà sao hoang phí!

Thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện cả nước có 144.485 tổ chức đang quản lý, sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê. Trong đó có tới 3.311 tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích được giao, được thuê với diện tích 25.587,82 ha. Diện tích đất chưa đưa vào sử dụng của các tổ chức được giao, được thuê đất cũng lên tới hơn 299.719 ha. Trong đó diện tích còn để hoang hóa xấp xỉ 250.862 ha.

Diện tích đất đầu tư, xây dựng chậm (dự án “treo”) cũng lên tới 48.888 ha, tập trung chủ yếu là dự án phát triển đô thị mới, dự án khu công nghiệp…

Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện cả nước có trên 70 triệu mét vuông nhà công sở, ước tính giá trị trên 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua rà soát bước đầu các địa điểm tài sản nhà đất công do các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp quản lý tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, con số đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích rất lớn.

Trong khi đó, việc xây nhà công vụ cho giáo viên, ký túc xá cho sinh viên, cho bệnh viện, trường học, trạm y tế, cho các thiết chế văn hóa, nhà ở cho người nghèo, nhà ở xã hội... hiện đang trông chờ quỹ đất.

Với quyết tâm cao như hiện nay thì dự kiến tới năm 2015 mới có khoảng 60% sinh viên các cơ sở đào tạo và 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp mới được đáp ứng chỗ ở. Hiện nay, tỷ lệ này mới chỉ khoảng 20%-22%.

Hệ lụy của tình trạng lỏng lẻo trong quản lý đất đai và tài sản công gắn liền với đất không những gây thất thoát lãng phí nguồn lực to lớn của xã hội mà còn là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng, lãng phí, là môi trường tha hóa cán bộ công chức, là nguyên nhân làm hỏng cán bộ và là thách thức lớn trong việc thực thi pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; đã gây nên những hiệu ứng xã hội bất thuận.

Năm 2010, tổng kiểm kê và chấn chỉnh quản lý đất đai

Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ 1/1/2010, cả nước sẽ tiến hành tổng kiểm kê đất đai năm 2010.

Theo kế hoạch, sẽ kiểm kê diện tích 3 loại đất chính gồm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng và thêm nhóm quan sát là đất có mặt nước ven biển (trong đó nhóm đất chưa sử dụng có đất bằng, đất đồi núi, núi đá không có rừng cây...).

Hiện trạng diện tích tự nhiên sau kiểm kê đất đai năm 2010 được so sánh, đối chiếu với hồ sơ địa giới hành chính nhằm hoàn chỉnh hồ sơ địa giới hành chính, phục vụ giải quyết dứt điểm tranh chấp về địa giới hành chính.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, sau khi có kết quả kiểm kê, Bộ và các địa phương sẽ có một chiến dịch thanh tra, kiểm tra ngay trong năm 2010.

Hiện các biện pháp xử lý dứt điểm các sai phạm đã được xây dựng. Đối với đất sử dụng sai mục đích, để hoang hóa, sai phạm sẽ được các địa phương tiếp tục thực hiện xử lý sau khi có thống kê đầy đủ.

Trong chỉ đạo mới đây nhất, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm tra cụ thể các trường hợp vi phạm và phân loại, để có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức sử dụng đất, trước hết là các vụ việc điển hình, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Đối với những trường hợp cho thuê, cho mượn đất hoặc để đất hoang hóa không sử dụng và các trường hợp vi phạm khác gây nhiều bức xúc trong dư luận phải cương quyết thu hồi, những trường hợp vi phạm nghiệm trọng phải truy tố trước pháp luật.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu rà soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của các tổ chức kinh tế, truy thu tiền thuê đất đối với thời gian chưa nộp tiền thuê đất, truy thu số tiền cho thuê, chuyển nhượng, chuyển mục đích trái phép để nộp vào ngân sách nhà nước. Thủ tướng yêu cầu, tất cả công việc trên phải hoàn thành chậm nhất là đến cuối năm 2011.


DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ