Đừng để “con kiến kiện củ khoai”

Cập nhật 09/11/2008 01:00

Tên gọi của dự án Luật bồi thường nhà nước không được nhiều vị đại biểu tán thành trong phiên thảo luận sáng qua (8-11). Đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) nói: “Theo tôi, nên gọi là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hoặc ngắn gọn hơn là Luật Nhà nước bồi thường”.

Lỗi do hệ thống thì ai bồi thường?


Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho biết thời gian qua ông có gặp nhiều trường hợp công dân đến khiếu nại liên quan đến việc bồi thường nhà nước. Ông Cuông cho rằng cần thiết phải sớm ban hành Luật bồi thường nhà nước để điều chỉnh vấn đề này.

Mặt khác ông Cuông cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự luật không bao gồm việc bồi thường trong các vụ án dân sự hành chính, lao động và trong cả vấn đề lập pháp, lập quy với lý do điều kiện kinh tế và trình độ cán bộ của chúng ta hiện nay chưa cho phép, là không thuyết phục. Ông nói: “Những hành vi xảy ra trong hoạt động lập pháp, lập quy, trong hoạt động xét xử những vụ án phi hình sự cũng đều là do con người gây ra, đều là người của pháp nhân nên không thể thoát khỏi trách nhiệm luật định”.

Về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đồng ý về nguyên tắc là người thi hành công vụ có lỗi, gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm hoàn trả. Tuy nhiên, cần xem lại quy định về trách nhiệm hoàn trả toàn bộ, vì trong thực tiễn vẫn còn tồn tại cơ chế trách nhiệm tập thể, những chỉ đạo hành chính bất thành văn. Đại biểu Thúy nói: “Yếu tố lỗi thì không chỉ hoàn toàn do lỗi chủ quan của người gây thiệt hại, mà còn do lỗi hệ thống. Do đó Nhà nước cũng phải gánh chịu một phần thiệt hại do lỗi hệ thống”.

Đại biểu Võ Thúy Loan (Tiền Giang) nói: “Để Luật bồi thường nhà nước có tính khả thi cao và không bị ví von với hình ảnh con kiến đi kiện củ khoai thì nên đơn giản hóa thủ tục đền bù cho người bị thiệt hại”.

Quy hoạch đô thị: cần có tầm nhìn trăm năm

Chiều qua, trong Ngày đô thị VN đầu tiên, Quốc hội đã thảo luận dự án Luật quy hoạch đô thị.

Vào đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) nói lại về việc Hà Nội ngập lụt vừa qua và đặt vấn đề: “Sự thiệt hại về con người và tài sản của nhân dân Hà Nội trong trận ngập lụt vừa qua trách nhiệm thuộc về ai? Bức tranh quy hoạch của thủ đô, trái tim của cả nước là như vậy. Các đô thị khác có lẽ cũng không khác mấy. Chẳng lẽ chúng ta cứ nói mãi là vì không có tầm nhìn, nguồn nhân lực chưa đủ tâm và đủ tầm hay sao?”.

Bà Mai và nhiều đại biểu khác cho rằng quy hoạch đô thị cần phải dựa trên quan điểm chiến lược lâu dài, có tầm nhìn không phải 10 năm, 20 năm mà là hàng trăm năm. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) nói: “Theo Bộ Xây dựng, đô thị nước ta phát triển nhanh nhất thế giới trong thập kỷ vừa qua. Hiện cả nước có 743 đô thị, 160 khu công nghiệp, 28 khu kinh tế cửa khẩu, trong đó có nhiều đô thị mới được xây dựng. Bên cạnh những mặt được, công tác quy hoạch đô thị còn bộc lộ rất nhiều bất cập, đó là sự thiếu đồng bộ, tầm nhìn ngắn, manh mún, chắp vá, mạnh ai nấy làm… Do vậy, về thời gian quy hoạch, theo dự thảo luật tại điều 27, 28 thì đô thị trực thuộc trung ương là 20-25 năm, tầm nhìn 50 năm, đô thị trực thuộc tỉnh là 20-25 năm. Theo tôi, thời gian nghiên cứu dự báo phải xa hơn, ít nhất phải gấp hai lần số hiện nay”.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cho rằng việc cung cấp thông tin quy hoạch đô thị theo quy định của dự thảo luật vẫn thể hiện tính hình thức, vì trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị không muốn cung cấp thông tin bằng cách kéo dài thời gian, người yêu cầu cung cấp thông tin không thể làm gì được. Để khắc phục điểm này, bà Thanh đề nghị quy định rõ thời gian, cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân và tổ chức.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ