“Đòn chí tử - nốc ao thị trường, gây khó cho doanh nghiệp và người dân, sẽ khiến nhiều dự án tê liệt”. Đây chỉ là ba trong rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà đầu tư bất động sản (BĐS) đưa ra tại buổi Hội thảo theo chủ đề “Sửa đổi Thông tư 36 - thị trường bất động sản được gì, mất gì?” do Báo Thanh niên tổ chức sáng 15/3.
Nếu thị trường BĐS bị “tổn thương” thì cảnh tấp nập tham quan dự án như thế này sẽ không còn nữa mà thay vào đó là cảnh “chợ chiều”. Ảnh: Mạnh Cường.
|
Theo thông tin mà chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển cung cấp, hiện nền kinh tế đang có dấu hiệu thâm dụng vốn “trở lại” từ tăng mạnh tín dụng và tín dụng BĐS, các chỉ số thống kê cho thấy rủi ro thanh khoản đang gia tăng; tín dụng BĐS tăng mạnh, góp phần tăng tỷ lệ tín dụng trung và dài hạn lên mức giới hạn 50%. “Vì thế, đưa tín dụng về tiêu chuẩn an toàn là cần thiết”, ông Hiển đồng tình với dự thảo.
“Tỷ lệ tín dụng trung dài hạn từ 60% về 40%; hệ số rủi ro tín dụng BĐS tăng từ 150% lên 250%, có gây lo ngại cho người đầu cơ, dẫn đến suy giảm thị trường BĐS?”, ông Hiển đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, đưa tín dụng về tiêu chuẩn an toàn là cần thiết; tăng rủi ro tín dụng BĐS là phù hợp nhưng không nên thắt chặt nó đột ngột.
Để giúp lành mạnh thị trường BĐS, ông Hiển đề nghị phải tạo cơ chế giảm tăng nguồn cung, giúp thị trường cân bằng cung - cầu.
Theo ông Hiển, biện pháp đó còn tránh được nguy cơ đóng băng, giảm giá do thừa cung, tạo hiệu quả cho doanh nghiệp làm ăn tốt, ổn định thị trường mua để ở, cho thuê và đầu tư trung dài hạn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại tỏ ra rất lo lắng về Thông tư 36 này (TT 36), họ cho rằng nếu thực hiện, TT 36 sẽ tác động tiêu cực lên thị trường BĐS hiện mới phục hồi sau “cơn bạo bệnh”. Thậm chí, còn có ý kiến đây sẽ là “Đòn “nốc ao” thị trường”.
Khẳng định việc cấp vốn cho các dự án là từ ngân hàng và khách hàng, nhưng trong thời điểm hiện nay, nguồn vốn của các khách hàng cũng là từ ngân hàng. “Chính vì thế, nếu siết chặt lại nó không những gây khó cho doanh nghiệp mà còn cả người dân, nó sẽ gây tê liệt nhiều dự án”, một đại diện Bản Việt Land lo lắng.
Ngoài ra vị này còn khẳng định: Nếu BĐS bị hạ gục sẽ tác động đến nhiều ngành, thậm chí đến cả nền kinh tế. Do đó, theo đề nghị của đại diện Bản Việt Land, chưa nên thắt chặt ở thời điểm này vì thị trường đang tốt.
Đồng quan điểm, ông Phạm Lê Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hưng Lộc Phát cũng cho rằng chưa nên có chính sách thắt chặt tín dụng trong thời điểm hiện nay. “Trong thị trường vốn ngắn hạn phục vụ cho đầu tư trung và dài hạn thì mỗi điều chỉnh của các đơn vị quản lý nhà nước sẽ tác động đến tâm lý thị trường rất mạnh và nhanh”, ông Tuấn chia sẻ.
Ngay sau đó ông Tuấn cảnh báo: Nếu chính sách không ổn định gây tâm lý bất ổn thì các nhà đầu tư sẽ tháo chạy khỏi thị trường ngay.
Ông Tuấn cho rằng ngân hàng cũng như doanh nghiệp, là một thể thống nhất, doanh nghiệp bị bệnh thì ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Hoạch định chính sách cần độ dài hơi”, ông Tuấn mong muốn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, nếu phải giảm trần điều chỉnh hệ số rủi ro thì nên giữ đúng 150% mà không nên tăng lên 250% theo dự thảo TT 36. “Nó sẽ tác động đến dòng vốn vào nền kinh tế mà cụ thể là BĐS là một ngành rất quan trọng”, ông Châu lý giải.
Ngoài ra, việc giảm từ 60% xuống 40% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn mà NHNN đánh giá là không ảnh hưởng gì đến thị trường, ông Châu cho là vô lý, khó lý giải.
Ông Vũ Quang Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: “Các cơ quan quản lý nhà nước đều muốn cho thị trường phát triển lành mạnh ổn định, dự thảo TT 36 này cũng thế, mục tiêu là để thị trường tín dụng, BĐS phát triển tốt bền vững”.
Tuy nhiên ông Phấn cũng lo lắng vì dự thảo sửa đổi TT 36 không thể nói là không ảnh hưởng vì vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống 40%. “Chỉ nên giảm xuống 50% thôi, vì xuống luôn 40% sốc lắm”, ông Phấn băn khoăn. Đối với hệ số rủi ro, theo ông Phấn chỉ nên tăng lên 200% thay vì 250% như dự thảo.
Ông Phấn dẫn chứng kinh nghiệm ở các nước: Nếu tín dụng thay đổi từ từ thì thị trường vẫn bình thường, còn nếu thay đổi đột ngột thì thị trường phản ứng ngay lập tức. “Thị trường Việt Nam cũng chẳng khác”, ông Phấn khẳng định.
Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước với hướng siết chặt tín dụng, trong đó quy định các ngân hàng thương mại, chi nhánh Ngân hàng Nước ngoài giảm nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn từ 60% (hiện nay) xuống 40%. Giới hạn đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng giảm rất mạnh, từ 200% xuống còn 80%. Dự thảo Thông tư cũng tăng hệ số rủi ro từ 150% lên 250%.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng