Thanh tra xây dựng không xử lý vi phạm xây dựng tới nơi tới chốn có thể bị cách chức, buộc thôi việc...
Tại hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 126 về phạt vi phạm xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức hôm qua (9-9), nhiều đại biểu khẳng định mức phạt 5-10 triệu đồng đối với xây nhà sai phép, 10-15 triệu đồng đối với nhà xây không phép khó khả thi.
Các đại biểu cho rằng cần hạ mức phạt xuống hai triệu đồng (thẩm quyền phạt tối đa của chủ tịch xã) thì cấp phường mới có thể xử lý kịp thời các vi phạm xây dựng tại địa phương.
Tái phạm có thể phạt nặng hơn
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho biết sẽ hạ mức phạt trong dự thảo xuống để việc xử phạt chủ yếu thực hiện ở cấp phường, cấp quận, cùng lắm thì mới đến thanh tra sở xây dựng xử phạt.
“Có thể đưa ra quy định nếu tái phạm sẽ bị phạt ở mức cao hơn. Tuần sau Bộ sẽ họp ban soạn thảo, căn cứ vào những ý kiến đóng góp để bàn về hạ mức phạt, hạ như thế nào. Sau khi thống nhất, chúng tôi sẽ công bố dự thảo trên website Bộ Xây dựng để lấy ý kiến của người dân” - ông Yên nói.
Theo dự thảo, hành vi sử dụng đường đô thị để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày hàng hóa, chiếm dụng hè phố, lòng đường để sửa chữa ôtô, xe máy có mức phạt 15-20 triệu đồng.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng mức phạt đối với các hành vi này là quá cao. Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết đang xem xét để giảm mức phạt xuống cho phù hợp với thẩm quyền phạt của cấp phường.
Mức phạt: Đánh đồng hay phân hạng?
Đại diện thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận xét, cùng một hành vi sai phạm nhưng công trình giá trị một tỷ đồng cũng bị phạt như đối với công trình 100 tỷ đồng là không hợp lý.
Đồng quan điểm này, đại diện thanh tra tỉnh Nghệ An cho rằng mức phạt đánh đồng cao như vậy rất khó khả thi, cần phân cấp công trình vi phạm tương ứng từng mức xử phạt.
Theo ông Nguyễn Sơn, Chánh Thanh tra xây dựng tỉnh Lạng Sơn, thực tế cho thấy hành vi vi phạm là giống nhau nhưng mức độ vi phạm, hậu quả gây ra là khác nhau nên căn cứ vào mức độ vi phạm và hậu quả để có mức phạt tương ứng. Chẳng hạn việc thi công sai thiết kế ô-văng cửa khác hẳn với thi công sai thiết kế cột chịu lực trong một công trình.
Trái lại, một số ý kiến khác cho rằng hành vi vi phạm là giống nhau. Các vi phạm phải được ngăn chặn ngay từ đầu. Trước đây đã có lúc pháp luật phân loại công trình vi phạm để phạt nhưng khi thực hiện thì thấy quá rắc rối.
Do đó, quy định về phạt trong xây dựng hiện nay cũng không phân loại vi phạm. Vậy vi phạm như thế nào thì sẽ bị phạt ở mức cao nhất là 500 triệu đồng?
Trả lời PV, ông Phạm Gia Yên nói: “Theo dự thảo, không có hành vi đơn lẻ nào có mức phạt tới 500 triệu đồng. Nhưng nếu một công trình có nhiều vi phạm thì khi phạt sẽ cộng dồn các hành vi vi phạm lại, mức tiền phạt có thể lên đến 500 triệu đồng”.
Để nhà xây trái phép: Xử lý cả thanh tra!
Có ý kiến lo ngại tiêu cực sẽ xảy ra khi thanh tra xây dựng móc ngoặc với chủ công trình để không xử phạt hoặc đưa ra mức phạt thấp để nhận phong bì “bồi dưỡng” của chủ công trình.
Ông Yên thẳng thắn nói: “Để công trình vi phạm được xây lên, không chỉ phạt chủ công trình, buộc tháo dỡ công trình mà còn phải xử lý người để xảy ra vi phạm. Khi một công trình có sai phạm ở phường mà thanh tra xây dựng phường, chủ tịch phường, thanh tra xây dựng quận không ra quyết định xử lý kịp thời thì thanh tra sở ra quyết định xử lý đối với công trình đó, đồng thời có văn bản đề nghị chủ tịch UBND quận phải xử lý cán bộ cấp quận, cấp phường theo Pháp lệnh Cán bộ, công chức. Tùy mức độ thiệt hại có thể cảnh cáo hoặc cách chức, buộc thôi việc cán bộ để xảy ra vi phạm”.
Hiện nay, nhiều chánh thanh tra xây dựng cấp quận tại TP.HCM không dám ra quyết định xử phạt vì Nghị định 126 không quy định chánh thanh tra cấp quận được xử phạt.
Ông Yên phản đối: “Thanh tra cấp quận chỉ có ở TP Hà Nội và TP.HCM theo mô hình thí điểm. Quyết định 89 của Thủ tướng đã quy định rất rõ về thẩm quyền xử phạt của họ như trưởng công an cấp quận (được phạt đến 10 triệu đồng - PV). Trong việc làm thí điểm thì không bị chi phối bởi các quy định khác. Chính phủ cho anh quyền đó mà anh không làm thì anh nghỉ đi cho xong!”.
Phạt tiền, đồng thời buộc tháo dỡ
Có ý kiến cho rằng việc buộc khôi phục tình trạng ban đầu, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm là nặng nhất, cần đưa thành hình phạt chính thay vì phạt tiền. Như vậy, việc xử lý sai phạm trong xây dựng sẽ hiệu quả hơn.
Về điều này, Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng việc quy định hình thức phạt hành chính trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính chỉ là cảnh cáo và phạt tiền. Vì vậy, nghị định sửa đổi Nghị định 126 không thể quy định khác được.
Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 126 cũng dự liệu hành vi xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh... ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị xử lý theo Nghị định 180 năm 2007.
Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định theo Nghị định 180, không có chuyện phạt rồi cho tồn tại. Những hành vi vi phạm phải được phát hiện ngay khi công trình khởi công đặt viên gạch đầu tiên. Nếu thực hiện tốt Nghị định 180 thì vi phạm sẽ không xảy ra.
- Những công trình xây dựng nhưng không có giấy phép xây dựng, đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư sẽ bị lập biên bản ngừng thi công, yêu cầu làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng.
Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi công xây dựng, chủ đầu tư không xuất trình giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị cưỡng chế phá dỡ.
Những công trình xây dựng khác không có giấy phép xây dựng theo quy định sẽ bị lập biên bản ngừng thi công, buộc tự phá dỡ công trình. Nếu chủ đầu tư không ngừng thi công thì phải đình chỉ thi công, buộc phá dỡ công trình, cắt điện, nước...
- Công trình xây sai phép: Sẽ bị lập biên bản ngừng thi công, buộc tự phá dỡ phần sai phép, nếu không thì sẽ cưỡng chế phá dỡ.
- Các công trình xây dựng sai thiết kế cơ sở hoặc thiết kế kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu nhà ở sai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt sẽ bị lập biên bản ngừng thi công và buộc chủ đầu tư tự phá dỡ. Nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ thì sẽ cưỡng chế phá dỡ.
(Trích Nghị định 180 năm 2007)
Theo Pháp Luật TP