Mức trần phí quản lý tòa nhà hạng cao nhất tại TP HCM được thu tối đa 8.000 đồng một m2 một tháng. Đó là nội dung dự thảo Quyết định về khung giá dịch vụ nhà chung cư vừa được Sở Xây dựng hoàn tất.
Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại mức phí trên nếu được ban hành sẽ khiến nhiều chủ đầu tư hợp thức hóa các khoản thu cao ngất ngưởng.
Người mừng, người lo
Đồng tình với việc cần có khung giá chuẩn về phí dịch vụ chung cư, ông Nguyễn Anh Kiệt, sống tại chung The Manor, quận Bình Thạnh, nhận định: “Có khung giá trên, các chủ đầu tư sẽ không còn tăng phí vô tội vạ. Thực tế, mức phí quản lý chung cư tại TP HCM đang bị thả nổi. Ngay tại The Manor, Ban quản trị nói là thu 0,9 USD một m2 một tháng song mức thực thu có khi lên đến 1 – 1,5 USD, tùy theo vị trí căn hộ”. Tuy nhiên, ông Kiệt cũng cho rằng, để có một khung giá hợp lý, cần lấy thêm ý kiến của người dân.
Một giám đốc doanh nghiệp địa ốc cho rằng, mức phí trên là quá sức đối với người dân, vì ngoài phí dịch vụ chung cư, người dân còn phải đóng hàng loạt các loại phí khác như: phí giữ xe, phí bảo trì căn hộ (2 % trên tổng giá trị căn hộ), phí sử dụng hồ bơi, tắm hơi, sân tenis (nếu có)…
Chị Bùi Tuyết Dung (chung cư Hoàng Anh Gia Lai 1, quận 7, TP HCM) lo lắng với mức phí trên, nhiều căn hộ chung cư được xem là cao cấp do chưa phân hạng sẽ rất dễ đẩy giá lên. Theo tính toán của chị Dung, với mức từ 5.000 - 8.000 đồng một m2 một tháng cư dân sống trong chung cư có căn hộ 100 m2 trở lên sẽ phải đóng phí từ 500.000 đến 800.000 đồng một tháng. Cộng với các khoản gửi xe, mỗi hộ ở chung cư phải mất khoản phí tổn 1 – 1,7 triệu đồng một tháng.
Còn ông Thế Dũng, một cư dân tại chung cư Tản Đà (quận 5, TP HCM) than phiền: “Một công chức thông thường, không có thu nhập gì khác ngoài lương, chắc không trả nổi những khoản phí trên”.
Theo nhiều doanh nghiệp, hiện nhiều doanh nghiệp quản lý nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam áp dụng mức phí là 0,58 USD một m2, tức khoảng 10.000 đồng. Với quy định mới này, những doanh nghiệp này sẽ khó hoạt động. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Xuân Châu, giảng viên môn bất động sản Trường đại học Kinh tế TP HCM: với mức phí trong dự thảo thì các đơn vị quản lý căn hộ đã có lời.
Nên để người dân tham gia quyết định mức giá quản lý chung cư và thuê công ty quản lý tòa nhà. Ảnh: TNLinh |
Dân muốn tham gia quyết định mức giá
Theo bà Trần Minh Ái, Trưởng phòng Quản lý dự án của Công ty LPP cho rằng, TP không nên quy định mức giá trần mà nên để cho người dân tự quyết định mức giá nào là hợp lý và thuê công ty nào quản lý tòa nhà. Bởi có thể ngay trong cùng một khu nhà, một mức giá có thể được coi là “hợp lý với hộ này, song lại quá cao với hộ khác”.
Điển hình như tại dự án Saigon Pear (quận Bình Thạnh, TP HCM), hiện mức phí được áp dụng ở đây là 1 USD một m2 nhiều người cho rằng như vậy là quá cao. Tuy nhiên, một số người cho rằng, mức phí như vậy là được vì như vậy mới có thể đảm bảo những nhu cầu của người dân.
Ông Thái Văn Võ, Phó ban Quản trị chung cư Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh) cho rằng: Việc quy định khung giá trần trong tình hình hiện nay là hợp lý. Chung cư Ngô Tất Tố vốn được xây dựng để phục vụ tái định cư nhưng đến nay chỉ còn khoảng 30% hộ là thuộc diện tái định cư, còn lại đã sang nhượng hết. Hiện nay, ở đây chưa áp dụng thu phí, mọi hoạt động, hư hại xảy ra trong chung cư đều phải vận động bà con đóng góp. Tuy nhiên, ban hành mức phí như thế nào thì cũng phải tính toán. Vì phần lớn dân sống tại đây chỉ có thu nhập trung bình. Nếu phí cao chẳng khác nào đuổi người dân đi.
Khung phí trần của chung cư hạng nhất là 8.000 đồng một m2 một tháng; hạng 2 là 7.000 đồng một m2 một tháng; hạng 3 là 6.000 đồng; hạng 4 không được thu quá 5.000 đồng.
Riêng nhà công vụ, nhà ở xã hội, chung cư xây dựng trước ngày 1/7/1991 chỉ được phép thu phí dịch vụ tối đa 1.000 đồng một m2 một tháng. Ngoài ra, diện tích sử dụng để kinh doanh được phép nhân hệ số 1,2 lần khung giá trần quy định.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt