Hôm nay, ngày 25/11, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) tại hội trường. Tại các cuộc Hội thảo góp ý cho Luật Xây dựng sửa đổi, đa số ý kiến đều cho rằng Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) quá ôm đồm và chồng chéo.
Luật Xây dựng sửa đổi sẽ bao gồm 10 chương, 132 điều, tăng 1 chương và 9 điều so với luật hiện hành, trong đó có các nội dung như quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà thầu đủ điều kiện…
Tuy nhiên, theo bà Đặng Hoàng Mai, giảng viên Bộ môn Quản lý dự án và pháp luật, Đại học Xây dựng Hà Nội, Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm về việc đưa phần quy định về quy hoạch xây dựng vào Luật Xây dựng (sửa đổi). Lý do cơ bản mà bà Mai đưa ra là, khi Luật Quy hoạch xây dựng được ban hành thì phần nội dung này trong Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ gây nên sự chồng chéo. Do đó, tạm thời có thể dùng nghị định để điều chỉnh hoạt động này thì phù hợp hơn.
Luật Xây dựng sửa đổi vẫn còn nhiều chồng chéo, bất cập và ôm đồm.
|
Theo ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để thống nhất với phạm vi điều chỉnh (dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi không điều chỉnh việc phân bổ vốn và quản lý vốn đầu tư cũng như lựa chọn nhà thầu xây dựng) nên dự thảo Luật xây dựng sửa đổi cần bỏ các quy định liên quan đến nhà thầu và các hành vi vi phạm về đấu thầu trong hoạt động xây dựng (khoản 3 và khoản 7 - Điều 12 của dự thảo Luật) vì các nội dung này đã được quy định cụ thể trong dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi; đồng thời bỏ các khoản 37, 38, 39, 40, 48 của Điều 3 dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi giải thích các thuật ngữ về "nhà thầu", "tổng thầu", "nhà thầu chính", "nhà thầu phụ"...
Các chuyên gia cho rằng, các quy định lựa chọn nhà thầu của dự thảo Luật, hiện Luật Đấu thầu hiện cũng đang được sửa đổi, nên đưa ra những quy định chung đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu, còn Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ quy định trực tiếp về việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.
Đối với các nội dung liên quan đến dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT, BTO, PPP, do các nội dung này đã được quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định 108/2009/NĐ-CP và Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg; đồng thời hiện Chính phủ đang giao Bộ KH&ĐT hoàn thiện tiếp khung pháp lý về hình thức đối tác công - tư (PPP) và nghiên cứu, đề xuất để xây dựng luật về PPP.
Do đó, theo đại diện Bộ Tài chính và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nên bỏ các nội dung này trong dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật và tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đầu tư dự án. Ngoài ra, đại diện của hai Bộ đề nghị chuyển toàn bộ Chương Hợp đồng trong dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi sang dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi vì Luật Đấu thầu đã có chương này rồi.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phải xem xét kỹ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi để tránh chồng chéo với các Luật liên quan, đồng thời tạo sự đồng bộ và thống nhất cao của hệ thống pháp luật.
Ông Phan Vũ Anh, luật sư Công ty Luật TNHH Phan Anh lại cho rằng, Luật Xây dựng vẫn cần có một chương về quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, nội dung đưa ra cần được viết ngắn gọn và bao hàm những quy định chung nhất về quy hoạch xây dựng, còn những nội dung chuyên ngành nên đưa vào Luật Quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo về quản lý và thống nhất quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.
Các chuyên gia cũng lo ngại việc can thiệp quá sâu của Luật Xây dựng như việc doanh nghiệp rất khó khăn với quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng là phải "có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định". Bởi, hiện dự án sau khi có đầy đủ thủ tục mới tiến hành đấu thầu thi công, nay lại quy định đấu thầu trước khi có giấy phép xây dựng thì khác nào câu chuyện "con gà quả trứng".
Một vấn đề nữa là trong những năm qua, vốn đầu tư phát triển của Nhà nước giảm, dẫn đến các thành phần kinh tế khác chiếm trên 60% vốn đầu tư toàn xã hội.
Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) không nên can thiệp sâu vào quyền sử dụng sản phẩm xây dựng của chủ đầu tư mà cần điều chỉnh luật pháp theo hợp đồng vay và cho vay nếu chủ đầu tư có vay vốn của nhà nước để đầu tư vào sản phẩm đó. Phải làm rõ đối tượng đầu tư nào được vay, được cấp vốn ưu đãi để khuyến khích phát triển sản xuất.
Cần phải xác định rõ vai trò quản lý của Nhà nước trong hoạt động xây dựng, thống nhất cách quản lý từ trung ương đến địa phương. Không nên quản lý theo kiểu dàn trải gây ra lãng phí, thất thoát và thậm chí sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng hơn.
TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh vấn đề quan trọng trong việc hoàn thiện dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi là: "Cần phải tư duy hệ thống và đừng ôm đồm vào một Luật".
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư