Chuyên gia nhận định đối tượng bị thiệt hại nhất trong mùa dịch COVID-19 sẽ là các chủ nhà với hợp đồng thuê ngắn hạn.
Không thể phủ nhận hiện trạng của thị trường bất động sản (BĐS) trong những tháng đầu năm đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhà đầu tư nhóm sản phẩm như mặt bằng bán lẻ, mặt bằng thương mại, văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn, shophouse… đang chịu thất thu hoặc chôn vốn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình hình sẽ có chuyển biến trong thời gian tới.
Nguồn thu từ nhà, đất liên tục bốc hơi
Anh Trung (Nha Trang) có một căn hộ gần khu phố Tây nên rất đắt khách. Mới đây, vì dịch bệnh nên khách thuê Trung Quốc đã trả nhà sớm mà anh vẫn phải hoàn 100% tiền cọc. Từ đó đến nay, dù đã giảm giá 20% nhưng căn hộ của anh vẫn không tìm được khách mới.
Ở vị trí người thuê nhà, chị Bảo Ngọc, giám đốc một công ty may mặc cũng thiệt hại không kém. Trước đây, chị thuê mặt bằng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) giá 130 triệu đồng/tháng, đặt cọc 700 triệu đồng. “Từ sau tết, cửa hàng ế ẩm, tôi buộc phải đóng cửa mà nói mãi chủ nhà mới đồng ý trả lại 50% tiền cọc, coi như lỗ nặng” - chị Ngọc buồn bã nói.
Ở góc độ của nhà đầu tư, chị Hoàng Hải (quận 2) cũng đang ôm nỗi khổ riêng. Vợ chồng chị đầu tư hai căn hộ thương mại (shophouse). Khi dịch bệnh ập tới, hai căn shophouse của chị để trống rất lâu vẫn không có người thuê.
“Tiền vay ngân hàng để đầu tư mỗi tháng chúng tôi phải trả 50 triệu đồng. Nếu vài tháng tới mà không có thu chắc chắn sẽ phải bán bớt một căn, mà lúc này muốn bán cũng không dễ” - chị Hải lo lắng nói.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất là cho thuê mặt bằng thương mại, văn phòng, căn hộ, khách sạn. Quý I-2020 công suất khai thác phòng các khách sạn nhìn chung giảm 40%-60% so với quý trước.
Nhà tư vấn BĐS CBRE cũng ghi nhận số lượng khách đến các trung tâm thương mại giảm khoảng 70%-80% trong tháng 2 và 3. Chủ cửa hàng trả mặt bằng, chủ cho thuê phải giảm 20%-40% giá, khối văn phòng cũng ế ẩm vì các công ty chủ động làm việc từ xa.
Quý II-2020: đất nền khan hiếm
Theo dự đoán của ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, quý II-2020 đất nền vẫn sẽ tiếp tục khan hiếm và không có nhiều dự án mới mở bán.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể sẽ tăng nhẹ so với quý I, dao động khoảng 2.000-2.500 căn. Nguồn cung mới chủ yếu tập trung ở khu đông và khu nam thành phố. Sức cầu chung trong ngắn hạn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc nên có thể sẽ duy trì xu hướng giảm ở quý I.
Đối với nhà phố/biệt thự, nguồn cung mới có thể sẽ giảm trong quý II, dao động ở mức 400-500 căn, tập trung ở một số dự án có quy mô lớn. Sức cầu duy trì xu hướng giảm từ cuối quý I và khó có sự gia tăng đột biến trong ngắn hạn.
DiaOcOnline.vn – Theo PLO