Với mức thanh khoản tốt hơn gấp 4 lần so với phân khúc căn hộ tầm trung và cao cấp, nhà ở giá rẻ và nhà ở thương mại vẫn sẽ “nóng” trong năm 2018.
Nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh hơn
Thị trường bất động sản năm 2017 đã tăng trưởng trở lại với mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016. Trong đó, phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền (loại trung cấp và bình dân) đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng vẫn là phân khúc chủ đạo, chiếm 74% thị phần. Đây là phân khúc nhà ở có tính thanh khoản cao và phát triển bền vững, nhưng vẫn trong tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu. Hai thành phố Hà Nội và TPHCM năm 2017 có trên 64.000 giao dịch đã ký hợp đồng mua hoặc đặt cọc (chưa kể đất nền dự án), giá ổn định chỉ tăng 5% trở lại với các phân khúc.
Khu nhà ở xã hội Đặng Xá giai đoạn 2 (Ảnh: Tạp chí Kiến trúc)
|
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Kinh doanh và marketing bất động sản Thái Lan thực hiện cuộc khảo sát ở Hà Nội và TPHCM. Kết quả nhà ở thương mại và nhà ở giá rẻ thanh khoản rất tốt, các dự án bất động sản trung và cao cấp bán hết trong vòng 23 tháng, đặc biệt nhà thương mại giá rẻ bán hết trong vòng 6 tháng.
Trong năm 2018, dự báo thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực và nhiều khả năng vẫn giữ được ổn định như năm 2017. Trong đó, phân khúc căn hộ vừa túi tiền có 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỉ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường bất động sản. Phân khúc nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh hơn; phân khúc thị trường cao cấp sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với sức mua của thị trường.
Vẫn “khát” tín dụng ưu đãi
Hiện các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đã dành 1 số quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, việc tạo lập quỹ nhà ở xã hội. Pháp luật về nhà ở đã quy định cụ thể việc dành 20% quỹ đất đã đầu tư hạ tầng (bằng quỹ nhà ở hoặc tiền tương đương) để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên trong thời gian qua, việc thực hiện dành quỹ nhà ở xã hội 20% còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Nghị định số 100/2015/NĐ-CP đã giao Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước chi phối, cho người dân và doanh nghiệp vay vốn ưu đãi với lãi suất không cao hơn 50% lãi suất thương mại. Đây là hành lang pháp lý cho phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Đối với gói 2.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội được Quốc hội thông qua, 800 tỷ đồng bổ sung cho chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với người có công. Số còn lại là 1.200 tỷ đồng sẽ dành 600 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội, 600 tỷ đồng còn lại dành để bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại.
Dù đã được Quốc hội thông qua nhưng hiện tại nguồn vốn này vẫn chưa được giải ngân, thị trường bất động sản vẫn đang “khát vốn” dành cho phát triển nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị: “Hỗ trợ vốn tín dụng ngân hàng để đẩy mạnh việc phát triển thị trường nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ. Khi thị trường bất động sản phát triển sẽ là đầu kéo giúp các thị trường khác phát triển theo (như thị trường vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất, thị trường vốn…) Tỉ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản chỉ đạt 6% trong khi ngưỡng an toàn là 10%.”
Nếu dùng số tiền 600 tỷ đồng trong gói hỗ trợ 2.000 tỷ đồng bù lãi suất cho các ngân hàng thì sẽ có thể huy động được thêm 20.000 tỷ đồng (dự tính mức bù lãi suất là 3%) từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Như vậy, có thể đảm bảo đầu ra cho nhà ở thương mại và nhà ở giá rẻ, khi dòng vốn vào thị trường thông qua các ngân hàng thương mại sẽ đảm bảo an toàn và duy trì sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV