Từ nhiều năm nay, khu đất rộng gần một nghìn mét vuông thuộc phường Thịnh Quang (Đống Đa) bỏ hoang và trở thành nơi người ta đổ rác, phế thải xây dựng, thậm chí phóng uế bừa bãi. Trong khi đó, bên ngoài bức tường lại là một chợ tạm, nhộn nhịp từ sáng sớm đến chiều tối. Điểm tương đồng duy nhất của hai khu vực này có lẽ là tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường và là nguồn lây lan dịch bệnh.
Ngày 7 và 8 tháng 6-2004, UBND thành phố có quyết định số 3490/QĐ-UB và 3524/QĐ-UB thu hồi 731m2 đất tại phường Thịnh Quang do Công ty Thực phẩm và Công ty Bách hóa (thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội) sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả giao cho UBND quận Đống Đa quản lý và chỉ đạo lập dự án làm chợ phục vụ nhân dân.
Quyết định này khiến người dân ở đây rất mừng, vì nó đồng nghĩa với việc họ sẽ được giải phóng khỏi cảnh nhếch nhác, ô nhiễm của chợ tạm Thịnh Yên. Thế nhưng, UBND quận Đống Đa chưa kịp triển khai dự án thì tháng 8-2004, UBND thành phố lại có công văn số 2089/CV-UB cho phép Công ty Bách hóa lập dự án xây dựng Trung tâm Thương mại - Dịch vụ Yên Lãng. Thế là, cùng lúc, một dự án được giao cho hai chủ đầu tư.
Vướng mắc này chưa giải quyết xong, thì quá trình GPMB lại gặp khó khăn. Ngày 1-1-2004, Công ty Bách hóa Hà Nội và Công ty TNHH & SX Ngôi sao may mắn đã thống nhất thanh lý hợp đồng thuê 300m2 đất. Sau đó nhận thấy dự án xây dựng chợ Yên Lãng chưa triển khai được ngay, Công ty TNHH & SX Ngôi sao may mắn đề nghị tiếp tục ký hợp đồng thuê đất đến năm 2006 và đến nay vẫn chưa thể GPMB.
Ngày 3-7-2008, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã có văn bản gửi UBND quận Đống Đa và phường Thịnh Quang, với nội dung: Thực hiện dự án xây dựng chợ, Trung tâm Thương mại Yên Lãng, Công ty Bách hóa và Công ty Thực phẩm đã bàn giao toàn bộ diện tích nhà đất về trực tiếp tổng công ty quản lý.
Hiện tại, 540m2 đất của Công ty Thực phẩm và 114m2 đất của Công ty Bách hóa đã được GPMB, còn lại 313m2 do Cty Ngôi sao may mắn đang chiếm dụng. Diện tích đã GPMB là nhà cấp 4, xây tường gạch, cửa sắt, mái tôn. Do không có bảo vệ thường xuyên nên việc quản lý, chống lấn chiếm gặp nhiều khó khăn. Do đó, sau 4 năm dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Làm việc với chính quyền địa phương và một số người dân xung quanh khu vực, thì mọi người đều bày tỏ sự bức xúc về vấn đề này. Trong khi gần một nghìn mét vuông nhà, đất để lãng phí thì chợ tạm lại tràn lan trên lòng, lề đường, ngõ Thái Thịnh 1 (ảnh), ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường cũng như mỹ quan đô thị. Lòng đường hẹp, hàng thực phẩm tươi sống bày bán ngay trên nền đất, cạnh rãnh nước thải, rác sinh hoạt, suốt ngày bốc mùi xú uế.
Cũng vì chợ tạm này, nhiều năm nay chính quyền phường đã nhận không biết bao đơn, thư phản ánh, khiếu nại của bà con sống gần chợ. Phường cũng đã cố gắng sắp xếp nhưng đất chật, nhu cầu lớn, dẹp chỗ này chợ lại “phình” chỗ khác. Mong muốn lớn nhất của người dân và chính quyền địa phương là dự án xây dựng chợ Yên Lãng sớm được triển khai.
Ông Nguyễn Tiến Hòa, Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang cho biết: “Để làm tốt công tác quản lý, chống lấn chiếm; biện pháp hiệu quả nhất là giao cho chính quyền địa phương quản lý trực tiếp khoảng 400m2 nhà đất để sắp xếp chỗ buôn bán cho 180 hộ kinh doanh ổn định. Việc này không chỉ góp phần sử dụng hiệu quả quỹ đất đang để lãng phí mà còn giải tỏa được một diện tích lớn chợ tạm, chợ cóc, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường khu vực trong khi đợi dự án chính thức được triển khai”.
Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh hiện nay, bên cạnh việc hoàn tất các thủ tục GPMB, đề nghị cơ quan chủ quản phối hợp với chính quyền quận Đống Đa và phường Thịnh Quang có các biện pháp hữu hiệu, góp phần giảm thiểu bức xúc của người dân trong khu vực.
Theo Hà Nội Mới