Dự án ‘trầy trật” 2 năm mới bán hết, nhà giá rẻ chỉ mất 6 tháng

Cập nhật 30/01/2018 11:16

Các dự án tại Việt Nam được các chủ đầu tư bán hết hàng hóa trong vòng 23 tháng. Trong đó, cá biệt với nhà giá rẻ, có những dự án chủ đầu tư bán hết chỉ trong 6 tháng.

Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2017, theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn. Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng nhìn tổng thể năm 2017, thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trở lại, mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016 và tiếp tục xu thế tái cấu trúc thị trường, tái cơ cấu đầu tư để có sự chuyển hướng mạnh hơn vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền để đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng.


Cơ cấu sản phẩm trên thị trường BĐS có sự thay đổi, nguồn cung căn hộ cao cấp không còn bùng nổ sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc BĐS có giá vừa túi tiền (Ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, một khảo sát mà đơn vị này phối hợp với Hiệp hội Kinh doanh và marketing bất động sản Thái Lan (Resam) cho thấy, các dự án tại Việt Nam được các chủ đầu tư bán hết hàng hóa trong vòng 23 tháng. Trong đó, cá biệt với nhà giá rẻ, có những dự án chủ đầu tư bán hết chỉ trong 6 tháng tung ra thị trường.

Chủ tịch VNREA cũng cho hay, phía Resam nhận định đây là những con số rất mong đợi với thị trường Thái Lan. Tuy nhiên, theo ông thời gian tới cần có những chính sách hỗ trợ tốt hơn về vốn đối với thị trường nhà giá rẻ dưới góc độ người mua nhà cũng như các chủ đầu tư.

Trên thực tế, trong năm 2017, cơ cấu sản phẩm trên thị trường có sự thay đổi. Nguồn cung căn hộ cao cấp không còn bùng nổ như năm 2016. Ở cả hai thị trường trọng điểm, những dự án cao cấp (mức giá từ 35 triệu/m2 trở lên) không nhiều. Trung bình mỗi quý có từ 1 đến 3 dự án được giới thiệu trên thị trường, có quý thị trường không đón thêm dự án mới.

Tuy nhiên, đáng chú ý, ba tháng cuối năm, căn hộ cao cấp lại áp đảo thị trường Hà Nội và TP.HCM. Đây đều là những dự án đã được lên kế hoạch từ 2016. Bên cạnh việc hoàn thiện các vấn đề pháp lý, các chủ đầu tư đều chọn giai đoạn cuối năm 2017 để giới thiệu hoặc ra hàng nhằm đón dòng tiền tích lũy và lượng kiều hối đổ về lớn.

Trong khi đó, phân khúc nhà ở giá rẻ, trung bình được đánh giá có tính thanh khoản cao và phát triển bền vững, nhưng vẫn trong tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu trong thời gian qua.

Tổng hợp các số liệu thị trường bất động sản trong năm 2017, 70% nguồn cung mới của thị trường trong năm 2017 thuộc phân khúc trung cấp (khoảng giá từ 20-35 triệu/m2). Tại Hà Nội, các dự án tập trung chủ yếu ở phía Tây và phía Nam thành phố. Còn tại TPHCM, nguồn cung phân bổ ở cả phía Đông, Tây và Nam.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành xây dựng được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện nay, cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy được điều chỉnh nhưng chưa hợp lý dư thừa nhà ở cao cấp trong khi đó phân khúc giá rẻ, trung bình còn ít. Trên phạm vi toàn xã hội chưa quan tâm đúng mức phát triển nhà ở xã hội. Một số địa phương đi đầu Bình Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có một số khu vực nhưng vẫn còn rất ít.

Đánh giá từ thực tế thị trường, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM nêu lên khuyến nghị các doanh nghiệp quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá trên dưới 1 tỉ đồng/căn, vốn đang là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao trên thị trường.

Năm 2018 do có nhiều dự án đến thời điểm “tung hàng” nên nguồn cung sẽ dồi dào hơn năm 2017 nhưng sức tiêu thụ có thể không tăng nhiều, dẫn đến cạnh tranh trong việc bán hàng sẽ mạnh hơn. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), với nguồn cung dồi dào trên phân khúc thị trường căn hộ, đi liền với lượng tín dụng tương đối dồi dào, cần lưu ý nguy cơ có một đợt giảm giá trong thời gian tới khi chính sách tiền tệ được điều chỉnh trở nên thận trọng hơn.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet