Đừng vội mừng khi nhà đầu tư nước ngoài đăng kí vốn, hãy mừng khi dự án được triển khai. Bởi bất cứ dự án nào cùng có thể đứt gánh giữa đường.
Dự án Nhà máy thép Guang Lian tại Quảng Ngãi.
|
Người viết muốn nhắc đến Dự án Nhà máy thép Guang Lian do Tập đoàn E-United và Tycoons (Đài Loan) là chủ đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 3 tỷ USD vào năm 2006. Theo đó, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2016 và có công suất đạt khoảng 5 triệu tấn thép/năm. Tuy nhiên, sau gần 10 năm ì ạch, kéo dài Công ty TNHH Guang Lian Stell đã gửi văn bản xác nhận tới Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất xin rút đầu tư với lý do không thể thu xếp được nguồn tài chính để tiếp tục theo đuổi dự án.
“Bánh vẽ” to
Cụ thể, trong giai đoạn đầu của dự án nhà máy luyện thép Dung Quất được hình thành từ năm 2006, là do Công ty Tycoons (Đài Loan) đề xuất với tổng vốn đầu tư là 1 tỷ USD. Sau đó, nhà đầu tư cũng đến từ Đài Loan là Công ty E-United đã tham gia dự án này và nâng vốn cam kết của dự án này lên mức 3,3 tỷ USD những vẫn giữ công suất như cũ và đổi tên thành dự án Nhà máy Thép Guang Lian. Theo đó, nhà đầu tư E-United trở thành nhà đầu tư chính nắm quyền chi phối dự án với tỷ lệ góp vốn lên đến 90% và nhà đầu tư Tycoons chỉ góp 10% vốn dự án.
Đến năm 2011, hai nhà đầu tư này tiếp tục xin điều chỉnh quy mô công suất nhà máy từ 5 triệu tấn lên 7 triệu tấn thép/năm, đồng thời nâng vốn đầu tư lên mức 4,5 tỉ USD. Đề xuất này của nhà đầu tư đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc tuy nhiên, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất chưa cấp lại giấy chứng nhận đầu tư vì hai nhà đầu tư này chưa chứng minh được phương án thu xếp vốn cho dự án.
Sau một năm, tưởng chừng như việc kêu gọi vốn của dự án đi vào “ngõ cụt” thì dự án được nhà đầu tư Nhật Bản là Tập đoàn JFE “để mắt” tới. Tuy nhiên, sau khoảng hai năm nghiên cứu và khảo sát dự án, tháng 9/2014, JFE đã chính thức thông báo không tham gia đầu tư vào dự án.
Ngay sau khi Tập đoàn JFE tuyên bố dừng xem xét đầu tư vào dự án thép Guang Lian, nhà đầu tư lớn còn lại là E-United đã đề nghị điều chỉnh giảm vốn dự án này xuống còn 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, mặc dù điều chỉnh dòng vốn cho dự án xuống còn 2 tỷ USD, song dự án vẫn không còn cơ hội để hiện thực hoá khi nhà đầu tư này xin rút.
Đây là một trong những dự thu hút được sự chú ý của dư luận vào thời điểm đó, vì trong giai đoạn những năm 2000, những dự án thu hút FDI ở quy mô tỷ USD là không nhiều.
Còn nhớ, giai đoạn 2006-2010, FDI có sự biến động thất thường. Năm 2006, tổng số vốn đăng ký là 12.004 triệu USD, tăng 75,5% so với năm 2005. Năm 2007 và năm 2008, FDI đổ vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng, do từ tháng 1/2007, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Năng lực của cơ quan thẩm định dự án kém
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài (FDI) cho biết: “Số vốn đăng ký FDI vào Việt Nam giai đoạn này đạt khoảng 72 tỷ USD, vốn thực hiện tăng lên 5,8 tỷ - 8 tỷ USD, cao hơn 2,5 tỷ USD so với năm trước đó. Tuy nhiên, có nhiều dự án lớn không thực hiện được, chỉ sau 1 năm số vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đã giảm vài chục tỷ USD. Bởi, giai đoạn này có sự thay đổi trong hoạt động phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương phê duyệt các dự án đầu tư”.
Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Mại, từ năm 2006 việc cấp phép đầu tư các dự án đã được trao quyền cho các địa phương. Cơ quan trung ương chỉ góp ý, còn cấp dự án nào là do địa phương quyết. Hiện cả nước có tới 120-130 cơ quan, ban ngành thẩm định dự án. Năng lực thẩm định của nhiều cơ quan, ban ngành kém, ví dụ như lọc dầu, gang thép… không phải địa phương nào cũng thẩm định được.
Được biết, kể từ khi có Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, nhà đầu tư phải có quỹ đặt cọc cho dự án. Điều này như một sợi dây “an toàn”, khiến các dự án trở nên đảm bảo và chắc chắn hơn về năng lực tài chính thực sự của các nhà đầu tư. Điều này khác hoàn toàn so với trước đây, khi đăng ký dự án không phải đặt cọc, vì vậy dẫn đến tình trạng nhiều dự án đăng ký xong rút vì không thực hiện được.
Quay trở lại dự án Nhà máy Thép Guang Lian, người dân xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã bàn giao 220ha, chiếm tới 70% diện tích đất nông nghiệp toàn xã. Phần lớn bà con nông dân ở xã Bình Sơn bị thu hồi 100% đất sản xuất, sau khi về khu tái định cư đều thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn. Còn hàng trăm ha đất tốn cả trăm tỷ đồng để giải tỏa vẫn chỉ bỏ hoang, thả bò. Tập đoàn E-United đòi tỉnh Quảng Ngãi phải hoàn trả họ 50 triệu USD nếu dự án không tiếp tục xây dựng.
Như vậy có thể thấy, đã đến lúc phải siết chặt hơn năng lực thẩm định dự án và năng lực thực sự của nhà đầu tư, để đối tượng vốn được hưởng lợi là người dân sẽ không phải chịu cảnh, “dở khóc, dở cười” như người dân tỉnh Quảng Ngãi.
DiaOcOnline.vn – Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp