Thời gian gần đây, báo chí và dư luận đang quan tâm đến dự án xây dựng thành phố dọc sông Hồng, để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng bài góp ý của bạn đọc về vấn đề này.
Dự án thành phố bên sông Hồng đang là mối quan tâm của người dân thủ đô, đặc biệt là những người dân nằm trong diện quy hoạch của dự án. Ngoài những mục tiêu như các dự án phát triển đô thị khác đã thực hiện, dự án này còn đặt ra những đích đến rất lớn liên quan tới định hướng phát triển, vẻ đẹp của đô thị Hà Nội trong tương lai. Nói lại những viễn cảnh của dự án có lẽ là thừa, tôi xin được đóng vai trò phản biện với vài ý kiến chủ quan:
Thứ nhất, việc đem dự án phát triển bên bờ sông Hàn để áp dụng cho bài toán sông Hồng là một việc làm cần được xem xét kỹ. Ở đây, tôi không đề cập đến mục đích chỉnh trị dòng sông. Ai đã từng chứng kiến sông Hàn, sông Hoàng Phố (Thượng Hải), thậm chí là cả sông Hàn (TP. Đà Nẵng), đều ấn tượng trước vẻ đẹp của cảnh quan đô thị hoà lẫn với thiên nhiên. Tuy nhiên, thật khó tưởng tượng ra các đô thị đó sẽ thế nào với mức nước vào mùa cạn như của sông Hồng. Điểm mấu chốt ở chỗ có sự khác biệt cực lớn về mức nước giữa mùa lũ và mùa cạn của sông Hồng khi đem so sánh với các dòng sông khác.
Mô hình dự án đang được trưng bày tại triển lãm Tràng Tiền thể hiện rõ ràng hình ảnh này: Một tổ hợp nhà cao tầng bên cạnh bãi đất với dòng sông bị bóp hẹp, đục ngàu phù sa. Một hình ảnh đêm với những ánh đèn huyền ảo phản chiếu trên mặt nước lung linh được trích dẫn trong một số bài báo chắc chắn chỉ là ảo giác.
Thứ hai, với một đô thị khổng lồ, mật độ dân số rất cao do tập trung nhiều cao ốc, hẳn phải thải ra một lượng rác ở dạng nước thải lẫn dị vật khổng lồ không kém vào nguồn nước sông. Với lưu lượng nước nhỏ vào mùa cạn, liệu sông Hồng có không là một con sông Tô Lịch khác của Hà Nội? Hẳn các nhà quy hoạch phải có giải pháp giải quyết vấn đề này trong dự án. Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại của Hà Nội, tôi cho rằng khó có giải pháp nào giải quyết triệt để sự ô nhiễm nguồn nước với một dự án tập trung dân cư kéo dài đến 40km dọc bờ sông. Đặc biệt là tại hạ lưu trong mùa nước cạn.
Thứ ba, với dữ liệu mô hình của dự án, các khu cao ốc tập trung vào một diện tích rất gần với khu vực phố cổ của Hà Nội. Có lẽ, đây là một ý đồ làm tăng tính hấp dẫn các nhà đầu tư, do giá trị đất khu vực này rất lớn. Nhưng nó sẽ gây ra một hậu quả ngược, rất khó khắc phục.
Do sự tập trung dân tại khu vực giáp ranh này, mật độ người và phương tiện lưu thông trên hệ thống giao thông các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình sẽ tăng lên đáng kể. Cá nhân tôi hoàn toàn không đồng tình với việc cho phép xây dựng quá nhiều toà nhà cao tầng trong các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa trong những năm gần đây. Không những kiến trúc đô thị của Hà Nội bị cắt vụn, mà còn tạo một áp lực không thể giải quyết đến hệ thống hạ tầng cơ sở gồm giao thông, nước sinh hoạt, nước thải, điện, không gian công cộng…
Bạn đã chứng kiến sự quá tải của giao thông Hà Nội trong những ngày gần đây? Bạn đi đã đi qua những con đường ngập ngụa vì những trận mưa? Bạn biết phải tìm nơi tập thể dục buổi sáng ở đâu…? Bạn sẽ hiểu những điều tôi muốn nói nếu bạn đã từng trong hoàn cảnh như vậy.
Thứ tư, sự thay đổi nơi an cư của một bộ phận cư dân khá lớn của thủ đô sẽ kéo theo những hệ lụy nào? Tôi không tự tìm được câu trả lời trong vấn đề này. Tuy nhiên, những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống người dân trong vùng di chuyển qua kinh nghiệm từ các dự án trước sẽ được nhân lên gấp bội do quy mô cực lớn của dự án.
Đây mới là những bước đi đầu tiên của dự án. Cần phải đánh giá, phân tích dự án trên mọi góc độ với tầm nhìn xa hơn. Mong các nhà hoạch định, các đơn vị lập dự án sẽ có những lời tự nhận xét chính xác nhất đối với dự án này trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
>> Xây dựng thành phố dọc sông Hồng: Phải hết sức cân nhắc
>> Thành phố bên sông Hồng: Hà Nội sẽ di dời 170.000 dân
Theo VietNamNet