Dự án sông Hồng: Hộ có sổ đỏ có giữ được đất?

Cập nhật 28/05/2008 17:00

Có thông tin cho rằng có sự chồng chéo giữa quy hoạch “đại dự án bên sông” với quyết định số 23 của UBND TP Hà Nội, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp nằm ngoài đê.

Có sổ đỏ sẽ không phải chuyển đi?

Ngày 9/5/2008, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 23/2008/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cùng với quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có việc cấp GCNQSDĐ cho các trường hợp nằm ngoài đê sông Hồng.

Sở dĩ quyết định này gây nhiều tranh cãi bởi nó được ban hành vào đúng thời điểm quy hoạch về dự án sông Hồng đang được tổ chức triển lãm lấy ý kiến nhân dân, trong đó liên quan đến vấn đề di dời những người dân đang sống ở khu vực bãi sông Hồng.

Ông Nguyễn Văn Hoà, tổ 18, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội cho biết: “Đã gần 50 năm tôi sống ở đây nhưng chưa bao giờ tâm lý lại bị xáo trộn như thời điểm này. Hơn một năm trước, tôi nghĩ mình sẽ phải rời bỏ nơi này vì dự án sông Hồng. Nhưng bây giờ lại nghe nói sẽ được cấp sổ đỏ nếu đủ điều kiện. Tôi mừng nhưng cũng lo lắm vì chắc chắn một khu đất không thể cùng lúc người có ý bốc đi, người muốn cho ở lại được”.

Anh Trường Dũng, phụ trách Văn phòng nhà đất Phúc Lộc, phường Bồ đề, Gia Lâm cho biết: “Thông tin về việc sẽ cấp sổ đỏ cho những khu dân cư ngoài bãi đủ tiêu chuẩn đã được nhiều người biết đến. Nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa ai dám khẳng định: Di dân cho dự án sông Hồng hay được cấp sổ đỏ, cái nào đúng”.

Với suy nghĩ như vậy nên ngay tuần đầu tiên quyết định số 23 có hiệu lực, số người đến đăng ký xin cấp sổ đỏ và cấp phép xây dựng ở các phường có cư dân sống ngoài bãi đã tăng lên theo cấp số nhân.

Việc hợp pháp hoá khu đất mình đang ở là mong muốn chính đáng của người dân. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là đã có nhiều người nuôi hy vọng: đất nhà mình sẽ không bị quy hoạch nếu mình cầm được sổ đỏ trong tay.

Dân hoang mang vì chưa có thông báo chính thức

Mặc dù đã được triển lãm đến lần thứ hai, nhưng dự án nghiên cứu “Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội” vẫn gặp phải sự phản đối của một số nhà chuyên môn. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ đã rất thẳng thắn cho rằng: “Đây là một câu chuyện lửng lơ và hết sức vô lý. Qua chất vấn, lãnh đạo thành phố mới giải thích: Dự án chỉ là một “Đề tài nghiên cứu khoa học về dự án quy hoạch thành phố”. Trong khi một số nhà đầu tư Việt Nam “ăn cánh” với nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn cho là dự án sẽ được duyệt”.

Ông Trịnh Huy Thục, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng có những ý kiến không đồng tình: “Dự án bên sông chỉ là một đề tài nghiên cứu khoa học có trưng cầu ý kiến thực tế của người dân. Theo như dự án quy hoạch thì đây phải là công trình trọng điểm quốc gia. Do đó, theo Luật Xây dựng: trước khi lập dự án trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Nhưng điều này lại không xảy ra trong thực tế”.

Bản thân những người dân đang sống ở khu vực này thì luôn tỏ ra hoang mang, lo sợ bởi không họ không nhận được những thông tin chính thống về số phận của mình. “Liệu dự án đã được duyệt chưa? Họ có được ở lại hay phải di dời đi đâu?...” đó là những câu hỏi đang canh cánh trong lòng mỗi người.

Theo ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc thành phố ban hành Quyết định 23 là hoàn toàn hợp lý; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân được chứng nhận quyền sở hữu về đất và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, khi nhà nước trưng dụng đất để thực hiện theo quy hoạch thì người sử dụng đất phải chấp hành.

Người dân ở khu vực nằm ngoài đê sông Hồng bấy lâu nay “thấp thỏm” về dự án nghiên cứu “Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội”, trong đó có đề xuất di dân để thực hiện dự án. Tuy nhiên, dự án này mới đang ở giai đoạn triển lãm lấy ý kiến nhân dân và sau này còn phải trình Thủ tướng phê duyệt. Quy hoạch chưa thông qua nên không thể thông báo tới người dân.

Khi nhà nước thu hồi, trưng dụng đất để thực hiện dự án theo quy hoạch, hoặc do yêu cầu khẩn cấp để bảo vệ đê điều, tạo hành lang thoát lũ, người sử dụng đất phải chấp hành quyết định thu hồi, trưng dụng đất và chấp hành quy định về thoát lũ và đê điều. Các hạn chế sử đụng đất nêu trên được ghi trên Giấy chứng nhận. (Điều 23 trong Quy định được ban hành theo Quyết định 23/2008/QĐ-UBND)


Theo Dân Trí