Dự án sân golf An Phú: Vì sao chậm trễ?

Cập nhật 29/07/2009 08:55

Phía sau tấm bảng dự án sân golf là những hạng mục đang thi công dở dang. ảnh: T. Giang

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân vừa yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường TP kiểm tra lại một cách toàn diện dự án sân golf An Phú, quận 2. Đó cũng là thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Phải chăng đằng sau dự án sân golf này đang có nhiều vấn đề cần “giải mã”?

Loang lổ da beo

Nếu so sánh với các dự án sân golf đang cấp phép thì dự án sân golf An Phú, quận 2 có vị trí “vàng”, chỉ đứng sau mỗi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. Dự án này nằm trong khu tứ giác giáp sông Rạch Chiếc, đường Đỗ Xuân Hợp, xa lộ Hà Nội. Tuy có vị trí đẹp nhưng hơn 9 năm nay, sân golf chỉ… nằm trên giấy.

Thủ tục pháp lý chính thức của dự án bắt đầu từ tháng 1-2001, Chính phủ cấp giấy phép đầu tư cho dự án, các chức năng như sau: xây dựng sân golf 18 lỗ, sân tập, câu lạc bộ, nhà hàng, phòng nghỉ, văn phòng điều hành, xây dựng khu thể dục thể thao - vui chơi giải trí, khu thương mại, xây dựng khu nhà ở biệt thự để kinh doanh.

Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng 137,44ha, nhưng sau đó UBNDTP điều chỉnh lại cơ cấu sử dụng đất, tổng diện tích còn lại là 132,44ha. Cơ cấu sử dụng đất như sau: đất khu liên hợp sân golf 100,44ha (chiếm tỷ lệ 75,8%), đất xây dựng khu tái định cư 15ha, đất khu ở 22ha (164 biệt thự, 29 căn liên kế, 132 căn chung cư). Vào thời điểm đó, khu đất này là đất nông nghiệp, vườn tạp.

Theo một báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch-Đầu tư, tiến độ của dự án rất chậm chạp. Trong 5 năm đầu, chủ đầu tư có phối hợp với UBND quận 2 để điều tra khảo sát, thành lập hội đồng đền bù, phương án bồi thường, nhưng đến năm 2006 chỉ thực hiện bồi thường khoảng 25,6ha, đạt 20% nhưng theo dạng da beo.

Sang giai đoạn 2006-2007, người dân bị ảnh hưởng bởi dự án không đồng thuận do giá đền bù thấp, chỉ 150.000 đồng/m² đối với đất nông nghiệp và 200.000 đồng/m² đối với đất trồng cây lâu năm.

Đến tháng 10-2008, văn bản báo cáo của UBND quận 2 nêu rõ: tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án là 312 hộ, chỉ chi trả bồi thường cho 200 hộ với diện tích là 80,47ha, đạt 57,56%. “Dự án không được các hộ dân đồng tình về giá bồi thường và hỗ trợ”, “Tiến độ triển khai quá chậm, mặc dù chủ đầu tư có nêu một số lý do khách quan làm chậm trễ dự án do điều chỉnh quy hoạch...

Một trong những nguyên nhân chính là do giá bồi thường và hỗ trợ cho người dân thấp làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng”, ông Lư Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư đã nhận xét như vậy trong văn bản báo cáo UBNDTP vào tháng 12-2008.

Còn mới đây, theo một lãnh đạo của phường An Phú, diện tích đền bù của dự án tính đến tháng 4-2009 chiếm trên 70%. Tuy nhiên trong đó có trên 82 hồ sơ của người dân không chấp nhận giá đền bù với tổng diện tích trên 26ha!

Đền bù quá rẻ


Cũng theo UBND phường An Phú, đến thời điểm này, công việc mà chủ đầu tư thực hiện được rõ ràng nhất là khu tái định cư 10ha đất nền, đang làm thủ tục để bàn giao cho người dân; ngoài ra có vài tuyến đường đang làm, còn lại là ngổn ngang vì đang san lấp mặt bằng. Tất nhiên, nguyên nhân sự chậm chạp này xuất phát từ việc đền bù.

Tháng 1-2000 (trước thời điểm phê duyệt quy hoạch dự án này), bà Lưu Hải Thanh, cư ngụ tại quận 1 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 500m² đất trồng lúa. Đến tháng 9-2008, Hội đồng đền bù - giải phóng mặt bằng quận 2 đã tính tổng giá trị bồi thường hỗ trợ thiệt hại và tái định cư là 92,666 triệu đồng. Đúng 1 ngày sau, chủ đầu tư của dự án ký văn bản xác nhận hỗ trợ thêm ngoài phương án đền bù là 90 triệu đồng. Như vậy, tổng cộng cả 2 khoản là 182,666 triệu đồng cho 500m² đất nông nghiệp, nếu chia bình quân chỉ là 365.000 đồng/m². Vì giá đền bù quá rẻ, tính theo quy định của năm 2001, nên bà Lưu Hải Thanh đã không đồng ý. Thế là toàn bộ số tiền trên được quận thông báo là gửi vào ngân hàng!

Bà Lưu Hải Thanh là một trong 82 trường hợp người dân có đất không chấp nhận giá đền bù. Không chỉ áp giá đền bù lạc hậu của năm 2001 mà theo UBND phường An Phú, một quy định khác cản trở tiến độ đền bù, hỗ trợ: chỉ có những hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại huyện Thủ Đức cũ (nay là các quận 2, 9, Thủ Đức) có đất nông nghiệp từ 2.000m² trở lên mới được hoán đổi nền đất tái định cư! Vậy là, những trường hợp có hộ khẩu nơi khác trở thành “kẻ ngoài cuộc”.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng