Việc xây đoạn đường dẫn từ Pháp Vân lên cầu Thanh Trì (Hà Nội) có chiều dài hơn 6km, trị giá hàng trăm tỉ đồng, đang đứng trước nguy cơ bị chậm tiến độ. Nguyên nhân là ở hai cây cổ thụ nằm trong phần diện tích dự án.
Dự án “rùa” vì cây đa, cây gạo?
Con đường dẫn từ Pháp Vân lên cầu Thanh Trì là công trình trọng điểm phải hoàn thành vào tháng 3/2008. Nhà thầu đã huy động khá nhiều nhân lực, máy móc thi công công trình khi có mặt bằng. Tuy nhiên một phần quan trọng của dự án lại đang lâm vào ngõ cụt.
Có mặt tại hiện trường trưa ngày 10/8, công trường xây dựng đoạn đường dẫn nối lên cầu Thanh Trì qua địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, chỉ lác đác một vài công nhân lững thững đi lại, bên cạnh là chiếc cần cẩu nằm chơ vơ.
Một công nhân ngao ngán chỉ tay về phía một cây đa cổ thụ khá to, đứng giữa tim đường: “Hạng mục đã phải dừng thi công nhiều ngày nay. Lý do là con đường nối lên cầu Thanh Trì “đụng” phải cây đa cổ thụ này”. Không chỉ vậy, cách đó chừng 100m, trên phần đường bên phải (hướng Pháp Vân - Thanh Trì), phần đường dẫn lên cầu cũng trong tình trạng dở dang bởi một cây gạo đã chết khô, đứng hiên ngang giữa lòng đường.
Tại sao một công trình quan trọng với vốn đầu tư lớn như thế lại phải đình lại chỉ vì hai cây cổ thụ? Rất nhiều người dân khi tiếp xúc với chúng tôi đã lý giải điều này bằng những câu chuyện mang màu sắc tâm linh, mê tín.
Như chuyện anh T, người trong làng Sở Thượng, đã nhận chặt cây đa nhưng bị “trời quở” nên gặp tai nạn giao thông thập tử nhất sinh. Nhiều người dân cũng cam đoan đã chứng kiến tận mắt cảnh nhà thầu nhiều lần dùng máy xúc, máy ủi đến “giải tỏa” cây đa và cây gạo nhưng hễ chạm đến gốc cây là máy tắt. Kể từ đó, không ai dám nói đến việc chặt bỏ hai cây cổ thụ này.
Không ai nhận trách nhiệm
Ông Trần Hải Đông, Trưởng phòng quản lý dự án 3, Ban QLDA Thăng Long, bức xúc: Khi lập phương án chi trả đền bù, đơn vị đứng ra nhận là chủ sở hữu hai cây cổ thụ trên là HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Thương mại tổng hợp Sở Thượng.
Giá đền bù cho việc chặt hạ hai cây này là 400 nghìn đồng. Tuy nhiên, Ban QLDA đã nhiều lần làm thủ tục chi trả tiền đền bù hai cây trên nhưng HTX Sở Thượng không nhận, không thực hiện di dời, đẩy nhà thầu vào thế bí, không có mặt bằng để thi công.
Trong cơ ngơi dột nát, trống huếch trống hoác vì thuộc diện chờ giải tỏa, của HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Thương mại tổng hợp Sở Thượng, ông Đặng Văn Sơn, Chủ nhiệm HTX, lại phủ nhận “quyền sở hữu” hai cây cổ thụ.
“Trước đây khi tiến hành kê khai tài sản để chi trả tiền đền bù thì HTX này đúng là chủ sở hữu 2 cây cổ thụ trên. Tuy nhiên sau đó, theo ý kiến của người dân trong khu vực, HTX đã giao lại quyền sở hữu 2 cây trên cho các cụ trong Hội người cao tuổi quản lý. Tiền đền bù thu được từ việc chặt cây HTX sẽ để lại cho các cụ cao tuổi gây quỹ. Vì thế, việc đền bù và chặt cây là do các cụ quyết định, HTX không có liên quan!”, ông Sơn cho biết.
Để lý giải cho việc chậm giải tỏa hai cây cổ thụ nói trên, ông Đặng Văn Sơn cho rằng, sau khi có loạt bài viết “Thánh vật sông Tô Lịch” được đăng tải tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân mang tâm lý hoang mang, e ngại; dẫn đến nhiều lời đồn thổi thêu dệt mang tính huyền bí về cây gạo và cây đa cổ thụ trên. Các cụ già trong làng bị con cháu can ngăn nên cũng sợ, không ai dám đưa ra quyết định chặt cây.
Theo ông Sơn, việc chặt hạ hay không thuộc về quyết định xử lý của UBND phường Yên Sở và Ban QLDA Thăng Long.
Về phần mình, ông Nguyễn Văn Mùi, Chủ tịch UBND phường Yên Sở, lại khẳng định: “Trách nhiệm chặt hai cây trên thuộc về Ban QLDA Thăng Long và nhà thầu. UBND phường chỉ có trách nhiệm hỗ trợ mà thôi”.
Còn ông Trần Hải Đông thì cho rằng: Ban QLDA và đơn vị thi công chỉ có trách nhiệm chi trả tiền đền bù, còn việc chặt 2 cây trên là thuộc thẩm quyền của HTX Sở Thượng và UBND phường Yên Sở.
Chưa dám khẳng định bên nào sẽ phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ vô lý này. Nhưng rõ ràng, khi hầu hết người dân đã chấp nhận phá dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng thì không lẽ gì một dự án lại lâm vào tiến độ “rùa” chỉ vì hai cây cổ thụ.
Một dự án trọng điểm, triển khai ngay tại Thủ đô Hà Nội mà vẫn bị ách tắc vì những lý do như thế thì quả là quá kỳ lạ!
Theo Phúc Hưng - Dân Trí