Dự án nhà ở xã hội loay hoay tìm khách mua

Cập nhật 04/07/2016 11:12

Sau khi gói 30.000 tỷ đồng tạm dừng giải ngân, nhiều dự án nhà ở xã hội lâm vào tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Trong số gần 40 dự án bất động sản đủ điều kiện mua bán nhà ở hình thành trong tương lai mà Sở Xây dựng Hà Nội công bố trong 6 tháng đầu năm 2016, số dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện mua bán chiếm tỷ lệ khá thấp.

Quanh đi quẩn lại chỉ có vài cái tên như: Khu nhà ở xã hội Đại Kim (quận Hoàng Mai) của Handico 5, Dự án Bright City (huyện Hoài Đức) của AZLand, Bamboo Garden (huyện Quốc Oai) của CEO Group, Ecohome 2 (quận Bắc Từ Liêm) của Thủ Đô Invest… với số lượng căn hộ của từng dự án khá khiêm tốn.

Dự án có số lượng căn hộ lớn nhất là Bright City với gần 1.500 căn hộ, còn dự án có số căn hộ ít nhất là Khu nhà ở xã hội Đại Kim của Handico 5 là 136 căn.

Một phần trong số này là những dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội trong giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn như Bright City hay Bamboo Garden. Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn Hà Nội không có thêm dự án nhà ở xã hội nào được chủ đầu tư đăng ký thực hiện.


Lý giải về sự ít ỏi đáng ngạc nhiên của số dự án nhà ở xã hội được đăng ký và hoàn thành, ông Phạm Thế Hưng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Bất động sảnAZ (AZ Land), chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội Bright City (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, nhà ở xã hội có đặc thù là phụ thuộc vào chính sách, gần như toàn bộ khách hàng đều trông chờ vào việc hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua nhà.

Vì thế, khi chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi không còn thì nhà ở xã hội có rất ít khách hỏi mua. Tại Dự án Bright City do AZ Land làm chủ đầu tư, dù đã xây thô đến tầng thứ 10, được Sở Xây dựng cho phép ký hợp đồng mua bán, nhưng có rất ít giao dịch thành công vì người mua không tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi.

Ông Vũ Kim Giang, Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Hải Phát cho rằng, hiện tại, hướng dẫn chi tiết về tín dụng cho khách hàng mua nhà ở xã hội chưa có, dẫn đến khó khăn rất lớn cho các chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội và ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng.

Sau khi các ngân hàng thương mại tạm dừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1013/QĐ-TTg (ngày 6/6/2016) chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) về cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%. Tuy nhiên, quyết định này chỉ áp dụng cho các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016.

Trước đó, theo ông Giang, khi có thông tin về sản phẩm nhà ở xã hội The Vesta (quận Hà Đông, Hà Nội) chuẩn bị mở bán, gần 1.000 khách hàng đã nộp đơn đăng ký mua. Sau khi có thông tin ngân hàng thương mại dừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, nhiều khách hàng rút đơn đăng ký. Nhưng với doanh nghiệp, không thể vì vậy mà dừng dự án.

Ngược lại, để thu hút người mua, chủ đầu tư còn quyết định đầu tư nhiều hơn vào tiện ích cho khách hàng như xây dựng trường liên cấp 1 - 2, trung tâm thương mại - dịch vụ, bể bơi… Phần vốn đầu tư này sẽ được lấy từ diện tích 20% nhà ở thương mại để bù đắp cho nhà ở xã hội.

Trên thực tế, không phải chủ đầu tư nào cũng đủ khả năng “gồng gánh” dự án của mình trước những biến động của thị trường và thay đổi của chính sách. Trong số 30 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội từ năm 2013 đến nay, nhiều dự án gần như rơi vào quên lãng, đặc biệt là các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.

“Để tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước cần có chiến lược dài hạn và rõ ràng về việc hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, để khách hàng có nhu cầu mua nhà và chủ đầu tư dự án yên tâm đầu tư, kinh doanh”, ông Giang kiến nghị.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư