Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - chủ đầu tư dự án (DA) BOT mở rộng xa lộ Hà Nội cho biết hiện tình hình thi công DA đang gặp rất nhiều vướng mắc, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng.
Xa lộ Hà Nội, đoạn qua khu công nghệ cao Q.9, TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Cụ thể, tại phần mở rộng và cải tạo trục đường chính đoạn trong phạm vi nút giao Cát Lái đến tiếp giáp cầu Rạch Chiếc (dài 1,2 km, rộng 44m - 54m) vẫn chưa thể thi công do Sở GTVT chưa bàn giao mặt bằng từ BQL DA đại lộ Đông Tây; đoạn từ cuối nút giao ngã tư Thủ Đức đến cầu vượt Trạm 2 (dài 2,7 km, rộng 24m - 41m) nhánh bên trái bế tắc do vướng tuyến ống nước D1000.
UBND Q.Thủ Đức đã bàn giao một số mặt bằng nhưng tình trạng mặt bằng "da beo" khiến tiến độ thi công không thể nhanh hơn. Tương tự, đoạn từ cầu vượt Trạm 2 đến nút giao ĐH Quốc gia (dài 0,5 km, rộng 41m) và từ cuối nút giao ĐH Quốc gia đến Tân Vạn (dài 2,2 km, rộng 37m) chủ đầu tư thậm chí còn chưa nhận được kế hoạch bàn giao mặt bằng (nếu có mặt bằng phải mất 15 tháng mới thi công xong).
Đối với hạng mục đường song hành phía bên phải (từ cầu Sài Gòn đến Biên Hòa) thì đoạn từ siêu thị Metro An Phú đến Rạch Chiếc và đường dưới dạ cầu Rạch Chiếc (dài 1,6 km, rộng 8m - 12m) đến nay Q.2 vẫn chưa bàn giao mặt bằng.
Hạng mục đường song hành phía bên trái, đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức dù đã có mặt bằng nhưng do quý 2/2012 tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên và DA lắp đặt ống cấp nước của Sawaco sẽ khởi công tại vị trí trùng lên lòng đường song hành, khiến chủ đầu tư không thể thi công vì sợ lãng phí.
Tháng 4.2010, CII khởi công mở rộng xa lộ Hà Nội giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư gần 2.287 tỉ đồng trong đó chi phí xây dựng trên 1.701 tỉ đồng bằng hình thức BOT trong nước.
Dự kiến cuối năm 2012 DA hoàn thành. Thời gian thu phí để hoàn vốn đầu tư dự kiến 25 năm 9 tháng tính từ ngày 1.1.2019 (ngay sau khi kết thúc thu phí DA chuyển nhượng quyền quản lý thu phí trên xa lộ Hà Nội).
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên