Dự án metro TPHCM: Mỗi ngày mất 2,5 tỷ đồng bồi thường?

Cập nhật 07/11/2015 08:33

 Nguồn tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco 6, nhà thầu chính thi công gói thầu số 2 dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) đã có đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường thiệt hại do bàn giao mặt bằng chậm so với cam kết trong hợp đồng.

Đốt dầm chữ U được đúc sẵn đưa về công trường thi công gói thầu số 2 tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên để lắp ghép. Ảnh: Huy Thịnh

Ngoài số tiền phạt trên 2 tỷ đồng/ngày, nhà thầu còn yêu cầu chủ đầu tư chi trả các chi phí khác phát sinh ngoài hợp đồng.

Bồi thường hơn 2 tỷ đồng/ngày

Chiều 6/11, không khí lao động tại công trường xây dựng gói thầu số 2 vẫn diễn ra hết sức nhộn nhịp. Trên suốt chiều dài hơn gần 19 km, hàng trăm công nhân hối hả thi công. Nhiều hạng mục quan trọng của gói thầu như cầu vượt sông Sài Gòn đã cơ bản hoàn thành phần kết cấu móng, trụ. Nhà ga Thảo Điền đã đổ bê tông tầng 1. Các nhà ga An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, …đang bước vào giai đoạn thi công nước rút.

Đặc biệt, nhiều đoạn tuyến đi trên cao qua các phường Thảo Điền (quận 2), Trường Thọ (quận Thủ Đức) đã hoàn thành việc lắp ghép các dầm chữ U nối liền các nhịp cầu trên suốt chiều dài hàng trăm mét.

Dự án tuyến metro số 1 dài 19,7km có tổng mức đầu tư ban đầu 17.387 tỷ đồng nay đã tăng lên 47.325 tỷ đồng (tăng 172%) với khoảng 1.000 hộ dân, đơn vị bị giải tỏa, khởi công từ năm 2008. Gói thầu số 2 (xây dựng đoạn trên cao và Deport) khởi công cuối tháng 8/2012 với tổng giá trị gói thầu là 8.881 tỷ đồng. Theo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị (QLDA), đến tháng 3/2015, TPHCM và Bình Dương đã hoàn tất việc bàn giao mặt bằng trống cho nhà thầu thi công.

Tuy nhiên, đại diện liên danh Sumitomo - Cienco 6 cho biết việc bàn giao nói trên đã chậm 27 tháng so với kế hoạch. Theo hợp đồng, toàn bộ mặt bằng phải bàn giao cho nhà thầu vào tháng 1/2013. Việc chậm trễ làm nhà thầu bị thiệt hại nặng vì đã huy động máy móc, nhân lực vào dự án nhưng phải “đắp chiếu” hơn hai năm.  Ngoài tiền phạt khoảng 100.000 USD/ngày theo hợp đồng, nhà thầu còn kê khai thêm nhiều tổn thất khác và yêu cầu UBND TPHCM (chủ đầu tư) bồi thường khoảng 2,5 tỷ đồng/ngày do bàn giao mặt bằng chậm tiến độ.

Với thời gian chậm bàn giao là 27 tháng, tổng số tiền bồi thường có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đại diện Ban QLDA cho biết nhà thầu chính thức khiếu nại từ tháng 1/2015. Ban QLDA đã báo cáo UBND TPHCM, tổ chức đàm phán với nhà thầu và các đơn vị có liên quan nhằm nhằm hạn chế tối đa chi phí bồi thường cho nhà thầu.

Vì đâu nên nỗi?

Đại diện Ban QLDA cho biết việc nhà thầu đòi bồi thường, UBND TPHCM đã báo cáo Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ để xem xét, tháo gỡ. Trong thời gian xem xét, nhà thầu vẫn phải đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình.

Việc UBND TPHCM đối mặt với án phạt nghìn tỷ xuất phát từ những bất cập trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT vào ngày 3/11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết giải phóng mặt bằng chậm, trách nhiệm thuộc về chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, chính sách bồi thường giữa quy định của Việt Nam và các nhà tài trợ khác nhau dẫn đến việc khiếu nại gay gắt của nhiều hộ dân.

Tuyến metro số 1 đi qua địa bàn các quận 1, Bình Thạnh, 2, 9, Thủ Đức và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Trong khi các hộ dân ở quận 1, quận Bình Thạnh được tính bồi thường theo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án metro số 1 thì các hộ dân ở quận 9, Thủ Đức và Bình Dương lại được “ghép” vào dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Mức giá bồi thường giữa hai dự án chênh lệch khá lớn, dẫn đến thắc mắc, so bì, khiếu nại của các hộ dân bị giải tỏa.

Khiếu nại gay gắt nhất xảy ra tại phường Linh Trung (quận Thủ Đức, TPHCM) và phường Bình Thắng (thị xã Dĩ An, Bình Dương). Tại phường Linh Trung, nhiều hộ dân ban đầu bị Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận quy vào diện lấn chiếm đất công, chỉ được hỗ trợ di dời. Đến lúc người dân trưng ra các chứng cứ chứng minh, như hộ khẩu, xác nhận của UBND phường đã sử dụng ổn định từ năm 1976 thì mới được giải quyết bồi thường.

Bất ngờ là tiền bồi thường lại được tính theo giá đất cũ đã hết hiệu lực thi hành. Đến lúc người dân khiếu nại tiếp thì mới được điều chỉnh. Nhiều trường hợp điều chỉnh phương án bồi thường 3-4 lần dân vẫn chưa đồng tình. Do thuộc địa bàn TPHCM, nhiều hộ dân chưa được bồi thường thỏa đáng vẫn bị cưỡng chế giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Có ít nhất hai trường hợp người dân kiện chính quyền ra tòa và được tòa án nhân dân TPHCM xử thắng kiện.

Riêng trên 100 trường hợp bị giải tỏa trên địa bàn tỉnh Bình Dương thì nằm “ngoài tầm” UBND TPHCM. Việc “dây dưa” nói trên khiến chủ đầu tư nhiều lần không thực hiện được cam kết bàn giao mặt bằng đúng hạn cho nhà thầu.

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông, việc nhà thầu đòi bồi thường vì chậm bàn giao mặt bằng là bình thường, theo những quy định trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. Đáng nói chính là trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền. Lẽ ra, ngay khi đàm phán và ký hợp đồng liên quan đến những điều khoản phạt hợp đồng vì chậm bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư phải lường trước được sự việc và phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương làm quyết liệt ngay từ đầu.  


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong