Dự án “ma” vẫn chập chờn bủa vây

Cập nhật 21/08/2020 10:02

Mặc dù đã có nhiều trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc bị khởi tố liên quan tới bán dự án “ma”, nhưng không ít nhà đầu tư vẫn... nhắm mắt đưa chân.



Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp “xộ khám”

Mới đây, thị trường bất động sản phía Nam lại “dậy sóng” khi liên tục xuất hiện những dự án “ma” và hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp bị cơ quan chức năng khởi tố.

Cụ thể, ngày 12/8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TP.HCM đã bắt tạm giam đối với Huỳnh Thị Hạnh Phúc là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Bất động sản Thiên Ân Phát (trụ sở quận Thủ Đức), về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Điều tra của công an thể hiện, tháng 12/2017, bà Phúc mua 3 thửa đất có tổng diện tích 7.276,8 m2 đất trồng cây lâu năm tại phường Phú Hữu, quận 9, không chuyển mục đích sử dụng đất và chưa thực hiện các thủ tục lập dự án nhưng đã tự lập sơ đồ phân lô đất nền để "vẽ" thành dự án Khu dân cư Bưng Ông Thoàn 2 gồm 77 nền đất.

Sau đó, thông qua một công ty bất động sản, bà Phúc bán 77 nền đất này cho 65 khách hàng, thu về hơn 77,5 tỷ đồng. Đến hạn phải giao nền đất, công chứng hợp đồng chuyển nhượng nền đất cho các khách hàng theo thỏa thuận, bà Phúc nại ra nhiều lý do để kéo dài thời gian giao đất, ký hợp đồng chuyển nhượng; hoặc yêu cầu khách hàng ký thanh lý hợp đồng với cam kết sẽ trả tiền mà khách hàng đã thanh toán mua nền đất cộng với lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi khách hàng ký thanh lý hợp đồng, bà Phúc không trả tiền hoặc trả nhỏ giọt.

Chưa hết, bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc tự lập các dự án Khu dân cư Nguyễn Xiển 1, Nguyễn Xiển 2, Nguyễn Xiển 3, Long Thuận, Long Thạnh Mỹ (quận 9) và dự án Khu dân cư Linh Xuân (thuộc quận Thủ Đức) khi chưa có quyền định đoạt đối với các thửa đất lập phân lô. Sau đó, bà Phúc sử dụng pháp nhân công ty của mình hoặc thông qua các công ty môi giới bất động sản, ký hợp đồng với hơn 200 cá nhân để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 7/2020, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM cũng đã khởi tố, bắt giam bà Nguyễn Thị Diệu Thúy (36 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Tiên Phong Land (Tiên Phong Land) để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi vẽ dự án “ma” tại quận 9 và bán 29 nền đất thu về hơn 40 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, bà Thúy đã “bắt tay” với Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Eagle Land để lập bản vẽ, phân khu đất thành 29 nền và đặt tên là Khu dân cư mới Gò Cát - Phú Hữu để rao bán. Từ tháng 7/2018 đến nay, bà Thúy đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho 22 khách hàng và nhận hơn 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khu đất này đến nay vẫn chưa được chuyển mục đích sử dụng, cấp phép đầu tư dự án, duyệt quy hoạch 1/500 hay giấy phép xây dựng…

Sở Xây dựng TP.HCM và UBND quận 9 cũng xác định, không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ xin thành lập dự án Khu dân cư mới Gò Cát - Phú Hữu, hay làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng các thửa đất trên.

Còn tại Đồng Nai, ông Nguyễn Đình Chính, Giám đốc Công ty Bất động sản Rồng Đất cũng mới bị cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 40 khách hàng, với số tiền hơn 16 tỷ đồng thông qua việc bán dự án “ma” tại phường Tam Phước, TP. Biên Hòa (Đồng Nai).

Các nạn nhân của Công ty Rồng Đất cho biết, trước đó, họ được nhân viên của công ty này giới thiệu về dự án khu dân cư Tam Phước (tại phường Tam Phước, TP. Biên Hòa) với những lời mời và hứa hẹn đầy hấp dẫn. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn đã có nhiều khách hàng quyết định “xuống tiền” đặt mua.

Tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ đợi, kết quả họ nhận được chỉ là những lời hứa suông. Bởi Công ty này đã tự ý lập dự án khu dân cư để phân lô rồi bán cho khách hàng khi chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa lập thủ tục đầu tư…

Vì đâu nên nỗi?

Trên thực tế, đây chỉ là 3 trong nhiều vụ việc bị cơ quan công an khởi tố, bắt giam lãnh đạo công ty để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc vẽ dự án “ma”. Bởi trước đó, cũng đã có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp “xộ khám” về hành vi tương tự. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra lúc này là tại sao đã có nhiều “tấm gương” như vậy, nhưng công ty vẫn vẽ, kinh doanh dự án “ma”, còn nhà đầu tư vẫn vô tư mua?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, để xảy ra trường hợp này do luật chưa phân định rõ ranh giới giữa hình sự và dân sự. Để khởi tố một vụ án hình sự phải mất rất nhiều thời gian, qua nhiều bước. Trong khi đó, nếu theo luật dân sự, thì người bị hại có “được vạ thì má đã sưng”.

Đơn cử như vụ việc xảy ra tại Công ty Rồng Đất, vào giữa tháng 5/2019, nhiều khách hàng gửi đơn tố cáo Giám đốc Công ty Rồng Đất có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đến tháng 6/2019, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Đồng Nai có văn bản thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm, đồng thời cũng nêu rõ hàng loạt dấu hiệu sai phạm tại Công ty này.

Tuy nhiên, 4 tháng sau đó, sau khi làm việc liên ngành, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai ra thông báo: Các cơ quan tố tụng thống nhất quan điểm xác định đây là... tranh chấp dân sự trong việc chuyển nhượng đất đai không thành!

Nhận thông báo trên, nhiều nạn nhân tiếp tục khiếu nại, đồng thời tố cáo Giám đốc Công ty Rồng Đất về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Đến lúc này, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự trước đó và tiến hành thụ lý giải quyết tố giác tội phạm để điều tra, xác minh củng cố chứng cứ làm căn cứ khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Mãi tới ngày 10/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai mới ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam giám đốc Công ty Rồng Đất.

Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Global Home cho biết, có nhiều trường hợp công ty bán dự án “ma” trước khi bán hàng đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất là kéo nhau ra tòa để giải quyết tranh chấp dân sự. Bởi khi giải quyết dân sự, nếu bị xử thua thì tiền của ai sẽ trả lại người đó, cùng lắm chỉ phải chịu thêm lãi suất theo lãi ngân hàng.

“Để chặn đứng tình trạng này, tôi đề xuất 2 phương án. Một là cơ quan công an khởi tố những vấn đề này theo tội hình sự. Hai là cơ quan thuế phải nhanh chóng vào cuộc để xử lý. Bởi phương thức chung của các công ty bất động sản hoạt động kiểu này là bán hàng đứng tên cá nhân của lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng thu tiền lại đóng dấu của công ty, giấy nhận tiền cũng là của công ty. Về vấn đề này, cơ quan thuế có thể truy thu và xử lý ngay được”, ông Thành nói và cho biết thêm, cơ quan chức năng nên lập ra những án mẫu để xử lý vấn đề cho nhanh.

DiaOcOnline.vn – Theo Đầu tư BĐS