Số phận 2.300 hộ dân phải “đánh đu” theo dự án “treo” vì chủ trương thay đổi xoành xoạch suốt 16 năm.
Trở lại khu vực phường 28, quận Bình Thạnh-TPHCM sau hơn một năm Báo NLĐ có bài ghi nhận, người dân đón chúng tôi với một thái độ không vui, không buồn.
Cọc cạch trên chiếc xe đạp sờn lốp men theo bờ ruộng, ông Phạm Hoàng Châu (tổ 25, KP 3) buồn bã: “Người dân ở đây không còn trông chờ vào dự án, giờ chỉ mong có con lộ thảm nhựa đủ cho 2 chiếc xe máy lách nhau khỏi đụng mà thôi!”.
“Treo” qua hai thế kỷ
Mong mỏi của ông Châu cũng là hy vọng của nhiều hộ dân ở hẻm cầu Cống, nhưng hàng chục năm qua chưa được đáp ứng bởi khu vực này nằm trong quy hoạch nên hạn chế đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng. Nhà không được mua bán, chuyển nhượng và cấp giấy chủ quyền.
“Mỗi khi trời mưa, đường trơn trượt nên không dám cho trẻ con tự đến trường mà phải đưa rước”- anh Năm, nhà ở gần cầu Cống, phản ánh. Đường sá đã vậy, nhà cửa ở khu vực phường 28 cũng tồi tệ vì xuống cấp lâu năm chưa được sửa chữa, xây mới.
Bà Ngô Thị Mai (số 15/6 đường Bình Quới) chỉ tay vào căn nhà lá, vách đất xây dựng đã hơn 20 năm, kể: “Gia đình tôi 3 đời sống ở đây nhưng nghèo quá không đủ tiền làm nhà mới. Nay gom góp được chút đỉnh định xây lại nhưng sợ phường không cho!”.
Những ai đến khu vực này và nhìn cơ sở hạ tầng, không thể hiểu nổi vì sao một nơi chỉ cách trung tâm TP 5 km nhưng chẳng khác nào một xã ở... vùng sâu, vùng xa. Có thể nói trong các dự án “treo” ở TP, dự án khu đô thị mới Bình Quới-Thanh Đa có “thâm niên treo” với gần 16 năm.
Ba năm nữa chưa hết... “treo”
Suốt 16 năm qua, số phận của gần 2.300 hộ dân phường 28 phải “đánh đu” theo dự án “treo” vì chủ trương của TP thay đổi xoành xoạch. Cụ thể, năm 1992, UBND TPHCM có thông báo xác định khu đất Bình Quới-Thanh Đa (diện tích khoảng 410 ha) là khu văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí.
Kéo dài 12 năm, đến tháng 6-2004, để xóa quy hoạch “treo”, UBND TPHCM ban hành quyết định thu hồi, tạm giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư để thực hiện dự án. Tiếp tục ròng rã 3 năm thực hiện, giữa năm 2007, chủ đầu tư mới được TP phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.
Sau đó, chủ đầu tư lên kế hoạch tìm đối tác để thực hiện vì dự án có mức đầu tư quá lớn (khoảng 6 tỉ USD). Đùng một cái, UBND TP có thông báo (số 545 ngày 7-8-2007) là phải tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư.
Ông Tống Văn Độ, Phó Ban Mặt trận KP 2, băn khoăn: “Chủ trương của TP lại thay đổi, không biết khi nào chúng tôi mới có thể an cư?”.
Câu hỏi của người dân chưa có lời đáp thì ngay chủ đầu tư cũng đang lúng túng vì không biết có nên tiếp tục thực hiện dự án hay không? Theo báo cáo của Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, cùng với việc lập quy hoạch chi tiết, chuẩn bị khu tái định cư, đơn vị đã tìm được đối tác đầu tư để khai thác kinh doanh dự án này là Công ty Thanh Đa (gồm các cổ đông: Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Sacombank, Sacomreal, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc).
Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, điều làm họ cảm thấy bất an là liệu chủ trương đấu thầu dự án này của TP có làm họ... đứng ngoài cuộc, trong khi đã mất nhiều công sức đổ vào dự án.
Thế nhưng, cũng theo chủ đầu tư: “Nếu TP vẫn giữ quyết định giao dự án cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn và các đối tác thực hiện thì có khả năng phải đến năm 2011 mới hoàn tất công tác đền bù giải tỏa”.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động