UBND TP. Hà Nội đã quyết định hiện thực hóa quy hoạch này bằng Dự án Chỉnh trị dòng chảy sông Hồng và xây dựng chuỗi đô thị liên hoàn trị giá nhiều tỷ USD. Tuy nhiên, dự án này lại đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, mà nguyên nhân chính dường như là từ sức ỳ của các cơ quan chức năng.
Theo Quy hoạch Tổng thể Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sông Hồng - đoạn chảy qua TP. Hà Nội- được coi như một chủ thể chính của không gian TP. Khi đó, Hà Nội sẽ là TP có hai bờ sông với các công trình hạ tầng cơ sở xanh, sạch và hiện đại hướng ra mặt sông (thực tế hiện nay hầu hết nhà cửa, công trình xây dựng rất lộn xộn, “quay lưng” ra sông).
Theo ông Lee In Geun, Chủ tịch Dự án Phát triển sông Hồng, trong quá trình xây dựng quy hoạch, Tổ dự án sông Hồng đã nhận được ý kiến đồng thuận của các cơ quan chức năng tại các buổi thảo luận. Thế nhưng, những ý kiến này dường như không được coi là chính thống. Khó khăn chính là việc quyết định những phương án trong việc chỉnh trị dòng chảy của sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội và sử dụng phần đất có được do sự điều chỉnh hệ thống đê hiện nay.
Những phương án được các chuyên gia đến từ Hàn Quốc coi là tối ưu và hoàn toàn có tính khả thi lại vướng phải những quy định về hành lang bảo vệ đê điều theo Luật Đê điều.
Trả lời câu hỏi các chuyên gia Hàn Quốc đặt ra, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - ông Triệu Đình Phúc cho biết, cơ quan chức năng Hà Nội đang xem xét báo cáo của các nhà đầu tư và thành lập Ban chỉ đạo chuyển hóa các phương án đầu tư của Hàn Quốc phù hợp với khuôn khổ hệ thống pháp luật và thực tế của VN để trình Chính phủ và phấn đấu hoàn thành báo cáo đầu tư vào quý IV/2007.
Tuy nhiên, dự án đang gặp phải khó khăn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có quy hoạch thoát lũ sông Hồng. “Chúng tôi được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang báo cáo Chính phủ phê duyệt quy hoạch thoát lũ toàn tuyến. Việc phê duyệt quy hoạch toàn tuyến đòi hỏi một thời gian nghiên cứu rất dài, nên trước mắt TP. Hà Nội sẽ trình Chính phủ tách riêng phê duyệt quy hoạch thoát lũ đoạn chảy qua Hà Nội để TP có căn cứ triển khai quy hoạch dự án khu đô thị 2 bờ sông Hồng”, ông Phúc nói.
Ông Lê Quý Đôn, phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, mặc dù đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ dự án, nhưng chỉ riêng những nỗ lực của TP. Hà Nội là không đủ để thực hiện dự án khổng lồ này.
Theo ông Đôn, trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Đê điều và Nghị định về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Đê điều đã nảy sinh nhiều vướng mắc. Điểm 3, Điều 11, Pháp lệnh Đê điều quy định: cấm xây dựng công trình, nhà cửa trong phạm vi bảo vệ đê điều ở bãi sông, lòng sông, khiến nhiều dự án đã triển khai xây dựng từ trước như: Dự án Xây dựng trường học, nhà văn hoá trong khu Đầm Trấu, khu Phúc Xá II, Dự án Xây dựng nhà ở và văn phòng của công ty TNHH IDC... đều phải dừng lại. Những công trình hạ tầng xã hội, công trình công cộng như trường học, trạm xá, trụ sở cơ quan chính quyền địa phương (đặc biệt với những xã, phường có đất đai chủ yếu nằm ngoài bãi bồi) nhiều năm nay không thể triển khai đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng.
Từ năm 1998, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng (cứng hóa) toàn bộ hai bờ tả và hữu sông Hồng (đoạn chảy qua TP, với tổng chiều dài khoảng 40 km). Khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản công tác thoát lũ vào mùa mưa, tăng cường an toàn hệ thống đê điều, ổn định cuộc sống cho các hộ dân sinh sống khu vực ngoài đê. Mặt khác, hệ thống đường giao thông hai bên sông, bãi đỗ xe, vườn hoa, công viên và dải cây xanh sẽ là vùng sinh thái khổng lồ, góp phần xây dựng một Hà Nội văn minh, thanh lịch và hiện đại, nhưng cho đến nay, ý tưởng tốt đẹp này vẫn chỉ dừng lại ở mức... ý tưởng.
Theo HÀ QUANG - Đầu Tư