Dự án "giãy" chết vì nghẽn mạch đền bù

Cập nhật 24/07/2008 12:00

Một tập đoàn đầu tư bất động sản của Hàn Quốc đang tính đến chuyện phải xếp xó dự án khu đô thị lớn tại quận 2 vì giữa chủ đầu tư, người dân và chính quyền địa phương không tìm được tiếng nói chung về giá đền bù.

Chuyện bắt đầu từ khi thành phố duyệt giá bồi thường cho khu đất hơn 70 ha tại phường An Phú, quận 2, để lấy mặt bằng làm dự án. Thế nhưng nhiều năm qua chính quyền địa phương không cách gì thu hồi được đất vì dân "chê" giá thấp. Chưa ra ngô ra khoai, tập đoàn bất động sản của Hàn Quốc xin quy hoạch khu đô thị tại đây và được thành phố cấp phép đầu tư từ năm 2004.

Để rút ngắn thời gian, chủ đầu tư đề nghị nâng giá đền bù lên thêm nhằm dễ bề thương lượng với dân. Song Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2 kiên quyết không thay đổi khung giá đã duyệt, với lý do như vậy là đi ngược lại chỉ đạo của thành phố.

Kết quả là gần 4 năm, dự án này chưa hề tiến hành bồi thường được một ô đất nào. Khu đô thị được "treo" trên giấy chờ tháo gỡ. Trước tình hình đó, chủ đầu tư đang do dự tính đến việc lờ đi "miếng bánh" này vì e rằng sẽ phải chôn vốn quá lâu.

Trì trệ hơn, ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9, TP HCM, đã ôm phương án tổng thể đền bù, hỗ trợ và tái định cư dự án khu đất 15,4502 ha tại phường Phú Hữu nhiều năm qua.

Theo phản ảnh của người dân, họ đã nhận thông báo thu hồi đất nông nghiệp hai lần với giá duyệt đền bù là 150.000 đồng một m2 nhưng không ai chấp thuận. Cuối tháng 6, hàng chục hộ dân đồng lòng ký đơn yêu cầu chính quyền địa phương hủy bỏ quy hoạch hoặc đề ra khung giá đền bù phù hợp hơn.

Dân phường Phú Hữu, quận 9, cho biết đến nay vẫn thấp thỏm không biết bao giờ thoát cảnh thu hồi đất bất ngờ như mấy năm qua. Hiện dân vẫn làm ăn sinh sống tại đây và chính quyền địa phương chưa hề giải tỏa được một vuông đất nào.

Thậm chí ngay cả dự án giao thông, mở đường, nâng cấp hạ tầng cũng gặp trục trặc khi đụng đến đất đai.

Ngày 22/7, tại buổi lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung các nghị định thi hành Luật Đất đai, lãnh đạo Sở Tài nguyên môi trường đã phản ảnh sự trì trệ của công tác giao, thu hồi đất, đền bù giải tỏa tại Sài Gòn với đoàn chuyên viên của Bộ ngành dọc.

Phó chánh thanh tra Sở Tài nguyên môi trường, ông Nguyễn Thiện Thành kể lại, trong một năm lập hồ sơ địa chính cho dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, phải mất 6 tháng mới cập nhật xong danh sách 3.500 hộ dân. Thế nhưng khi có quyết định thu hồi đất lại phải lập hồ sơ mới để đền bù. Trên thực tế, tất cả những dữ liệu thu thập chỉ đạt 60% độ chính xác về tên chủ hộ, địa chỉ, số thửa đất và diện tích.



Dự án khu dân cư Phước Lộc, Cần Giờ triển khai từ năm 2005 đến
nay vẫn chết cứng vì vướng đền bù và có dấu hiệu tiêu cực .


Tương tự, ông Thành cho hay, dự án sân golf 200 ha tại huyện Củ Chi nhiều năm qua lập danh sách, hồ sơ địa chính mãi không xong vì chưa xác định mốc và ranh giới giữa các hộ dân. Cuối cùng, để cho xuôi chèo mát mái, cơ quan quản lý nhà nước phải dùng cách ghi nhận thông tin do người dân khai báo để tạm hoàn thành khâu lập hồ sơ địa chính tại khu đất này.

Một trong những thiếu sót rất lớn trong quản lý đất đai, theo ông Thành, là khả năng cập nhật biến động đất đai tại nhiều địa phương của TP HCM còn rất ì ạch, không đuổi kịp tốc độ phát triển hiện nay.

Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP HCM Trần Kim Phát đề xuất luật điều chỉnh thêm quy định, nếu quy hoạch sử dụng đất được duyệt chưa có dự án đầu tư, địa phương phải thống kê và chuyển giao về một mối. Dựa trên các dữ kiện này, Trung tâm, phát triển quỹ đất mới có căn cứ để lập kế hoạch thu hồi, giải phóng mặt bằng để tạo đất sạch cho thành phố.

Đối với các dự án đã góp vốn từ trước, ông Phát cho rằng nhất quyết không thể đem đi đấu giá mà chỉ có thể chỉ định nhà đầu tư vì dễ sinh rắc rối sau này.

Ông còn chỉ ra một thực trạng quy hoạch được duyệt khi chuyển về quận huyện, địa phương đã tự động tìm kiếm nhà đầu tư và âm thầm mua lại, xẻ nhỏ khu đất ra để bồi thường trước. Điều này gây rất nhiều tranh cãi và kiện cáo từ phía dân thổ cư vì mức giá đền bù nơi cao nơi thấp, không minh bạch và thiếu công bằng.

"Chủ đầu tư và chính quyền địa phương đều "sợ" đền bù công khai và cố gắng né tránh việc đối mặt trực tiếp với chuyện đền bù bằng cách tự thỏa thuận trước khi công bố quy hoạch", ông nói.

Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP HCM, bà Đỗ Thị Loan khuyến cáo, để tránh các trường hợp tương tự như nhà đầu tư Hàn Quốc nọ, thành phố chỉ nên giao đất sạch cho nhà đầu tư. Theo bà Loan, việc giao đất nhưng vẫn chưa đền bù xong sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án, nhà đầu tư càng lâm vào bế tắc về vốn, gây lãng phí rất lớn.

Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Sở Tài nguyên môi trường Nguyễn Thị Cẩm Vân cho rằng, các vướng mắc trong thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng không phải chỉ dừng lại ở đầu mối Sở Tài nguyên.

Bà phân tích, riêng thủ tục giao đất, cho thuê đất đã đụng chạm đến vài ba sở ngành. Theo bà Vân, ít nhất Sở Tài chính phải ngồi lại với Tài nguyên môi trường để cùng tháo gỡ nhiều vấn đề khúc mắc xung quanh việc duyệt giá đền bù thì may ra mới thúc đẩy guồng máy chạy tốt hơn.

Theo VnExpress