Dự án giao thông Hà Nội - Hà Đông: Vẫn còn 10% đất chưa giải phóng được mặt bằng

Cập nhật 31/03/2008 09:00

Dự án đường Lê Văn Lương kéo dài là một dự án giao thông quan trọng của Hà Tây và thủ đô Hà Nội, với mục đích dãn mật độ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ 6 đi qua địa bàn TP. Hà Đông- Hà Nội. Hiện dự án vẫn còn khoảng 10% chưa giải phóng được mặt bằng (ảnh).

Dự án đầu tư trục đường phát triển phía bắc TP. Hà Đông và khu đô thị Dương Nội (đường Lê Văn Lương kéo dài) do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư. Mấy ngày qua, nhiều người dân đã tập trung tới trụ sở UBND xã Dương Nội, TP. Hà Đông, kiến nghị về việc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) liên quan đến những dự án trên địa bàn xã, trong đó có dự án khu đô thị mới Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư. Ngoài ra, một số người cho rằng, Tập đoàn Nam Cường đã phá lúa của dân để làm đường.

Theo đó, dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (chủ đầu tư nhận đất, thi công hạ tầng sau đó bàn giao lại hạ tầng cho Nhà nước), trách nhiệm đền bù GPMB thuộc về địa phương có đường đi qua. Trong quá trình xây dựng tuyến đường này, ngày 7.3, Chi nhánh Hà Tây của Tập đoàn Nam Cường đã đắp bờ ao ngăn nước thuộc địa phận thôn   La, xã Dương Nội trên một diện tích nhỏ đất nông nghiệp chưa đền bù GPMB của một số hộ dân.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Linh - GĐ Chi nhánh của Tập đoàn Nam Cường cho biết: Đây là sự cố nhầm lẫn của đơn vị thi công, giữa diện tích đất đã được thu hồi đền bù GPMB để làm đường và diện tích đất chưa được thu hồi đền bù GPMB. Sau khi phát hiện sai sót nêu trên, Tập đoàn Nam Cường đã xin lỗi dân và ra văn bản đình chỉ thi công để hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật.

Ông Linh cho hay: Quá trình làm cũng có những lỗi không thể tránh khỏi. Hiện còn khoảng 10% đất dự án đang trong quá trình đền bù GPMB. Do đó, nhiều khi xe phải đi qua chỗ chưa đền bù GPMB để thi công phía trong hay đổ đất tràn ra mé đường... Những lỗi trên, chúng tôi đã khắc phục hậu quả và xin lỗi dân. Rất nhiều hộ dân thông cảm với nhà đầu tư vì đây là công việc chung nhằm mục đích phát triển kinh tế địa phương và xã hội, bản thân nhà đầu tư cũng như người dân cần có trách nhiệm hợp tác.

Về chính sách bồi thường hỗ trợ, ngày 26.3, UBND TP.Hà Đông đã có thông báo số 782, theo đó, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ đối với 1m2 đất trồng cây hàng năm thuộc thuộc địa bàn xã Dương Nội là 180.000 đồng/m2. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã có những việc làm cụ thể để hỗ trợ những hộ dân bị thu hồi đất: Hoàn thiện thủ tục để cấp đất dịch vụ 10% cho những hộ dân có đất bị thu hồi, xây dựng chương trình "Giải quyết việc làm và dạy nghề cho lao động của TP.Hà Đông giai đoạn 2007-2010 và những năm tiếp theo".

Theo Lao Động