Sau 8 năm thực hiện, đường vành đai 3 vẫn ngổn ngang. |
Sau gần 10 năm thi công, đến nay dự án đường vành đai 3 Hà Nội vẫn chưa hoàn thành. Việc thay đổi quy hoạch, mở rộng đường từ 68m lên 71,6m rồi đến 78,3m dẫn tới diện tích đất phải thu hồi tăng lên 92.794m2 so với thiết kế ban đầu khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2010.
* Thưa Bộ trưởng, vì sao Dự án đường vành đai 3 do Bộ làm chủ đầu tư sau 8 năm thực hiện vẫn chưa thể hoàn thành?
Tôi xin lưu ý, trên thực tế đường vành đai 3 được chia làm nhiều phân đoạn. Vào năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án này, trong đó đoạn từ Mai Dịch đến Trung tâm hội nghị Quốc gia được thi công bằng vốn BT (Xây dựng - Chuyển giao) thì đã thực hiện xong.
Tiếp đến là phân đoạn từ Trung Hoà (tính từ Trung tâm hội nghị Quốc gia) cho tới nút giao Thanh Xuân, tuy nhiên, trong quá trình thi công theo hình thức BT thì nhà thầu đã không đủ sức (về vốn) nên dự án bị ngừng lại. Sau đó Chính phủ phải bố trí một nguồn vốn khác.
Vì thế, hiện nay toàn bộ Dự án đường vành đai 3 từ đoạn Mỹ Đình cho tới giáp Bán đảo Linh Đàm đã được ứng vốn thi công, nhìn chung về cơ bản đã xong. Tuy nhiên, tại nút giao Thanh Xuân thì vẫn còn khoảng 380m chưa làm được.
* Trong thời gian dự án đang thi công, Bộ đã có quyết định điều chỉnh lại dự án. Nguyên nhân là gì, thưa Bộ trưởng?
Thực tế, từ năm 2006, sau khi bố trí xong nguồn vốn, chúng tôi đã khởi động lại dự án này. Thời điểm đó, do tính chất quy hoạch, mức độ lưu lượng giao thông tăng lên rất nhiều so với năm 2001 vì thế nên chúng tôi đã quyết định điều chỉnh mở rộng đường vành đai 3.
Bên cạnh đó, theo thiết kế của chính nút giao này sẽ giao tiếp với tuyến đường sắt trên cao Hà Nội - Hà Đông và theo quy hoạch cũ còn có một đường sắt dọc theo đường vành đai 3. Vì thế, nút giao này sẽ tạo tới 2 ga đường sắt ở 2 tầng đó.
Từ những căn cứ đó, việc nhìn nhận, đánh giá quy hoạch cũ đã nảy sinh. Tuy nhiên, những thay đổi này phải căn cứ vào những phê duyệt của Thủ tướng năm 2001 mà điều chỉnh. Việc này đã được Chính phủ cho phép (theo quyết định đầu tư ban đầu). Căn cứ vào đó, Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm điều chỉnh thiết kế và chịu trách nhiệm theo quy hoạch nút giao thông này.
* Thưa Bộ trưởng, phải chăng việc thay đổi các chỉ giới mở rộng đường là chưa thật sự hợp lý, ảnh hưởng lớn tới quyền lợi người dân?
Trước hết, tôi khẳng định rằng việc thay đổi các giải pháp kỹ thuật và thiết kế của nút giao hoàn toàn thuộc quyền của Bộ Giao thông Vận tải, được Chính phủ cho phép. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã báo cáo Chính phủ nhiều lần và trong 2 văn bản Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là Bộ Giao thông Vận tải, làm đúng quy định. Còn thay đổi như thế nào thì chúng tôi phải dựa vào những điều kiện thực tế mới. Tất cả đều được phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân Tp. Hà Nội.
Hiện nay, tất cả các giải pháp về quy hoạch, kỹ thuật, thiết kế đều nằm trong phạm vi chỉ giới đường đỏ xây dựng. Vì thế, đây cũng là những điều chúng tôi muốn giải thích để người dân hiểu rõ thêm.
* Dự án đường vành đai 3 là công trình hướng tới kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long, với những khó khăn như vậy, liệu dự án có về đích đúng thời hạn?
Như tôi đã nói, trong thời gian qua, dự án bị chậm tiến độ do vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng tại nút giao thông Thanh Xuân. Vì thế, trong năm 2009, chúng tôi phấn đấu sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng tại đây, đồng thời xây dựng các khu tái định cư và bàn bạc các phương án đền bù cho người dân.
Bộ Giao thông Vận tải cùng Tp.Hà Nội quyết tâm hoàn thành toàn bộ đường vành đai 3 trong năm 2010.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy