Bộ giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn 454/TB-BGTVT kết luận Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc – Nam. Trong đó nhấn mạnh, “về phương thức đầu tư , phương án huy động vốn phải đánh giá hiệu quả tác động của dự án đến nợ công quốc gia, đồng thời, phải phân tích rủi ro của dự án”.
Tổng vốn đầu tư toàn dự án đường sắt cao tốc Bắc -Nam dự kiến lên tới 58,7 tỷ USD
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp nghe Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc – Nam. Tham gia cuộc họp có nhiều đơn vị liên quan như Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban kinh tế, Uỳ ban Tài chính ngân sách, Ngân hàng nhà nước, các bộ ngành liên quan và 20 tỉnh, thành phố (có tuyến đường sắt cao tốc đi qua). Cùng đó là nhiều viện, ngành, các nhà thầu, tư vấn thiết kế, các ngân hàng, tổ chức JICA (Nhật Bản)...
Sau khi nghe báo cáo các Liên danh tư vấn và ý kiến các đại biểu dự họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kết luận: Dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc – Nam là một dự án rất lớn, vì thế, quá trình nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư rất cần quan tâm, góp ý của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các địa phương, cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và đặc biệt là các chuyên gia, các nhà khoa học.
Bộ GTVT cũng ghi nhận sự chuẩn bị của Ban quản lý dự án đường sắt (QLDA ĐS), Liên danh tư vấn trong nước và Liên danh tư vấn hỗ trợ JICA trong quá trình báo cáo giữa kỳ. Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA ĐS chỉ đạo Liên danh tư vấn trong nước tiếp tục phối hợp, hỗ trợ phía JICA nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia tại cuộc họp. Đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ các nội dung sau:
Báo cáo cần trình bày tóm tắt các nghiên cứu trước đây, những vấn đề được cập nhật, bổ sung, làm rõ trên cơ sở các nội dung quan tâm của các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu khi trình chủ trương đầu tư dự án năm 2010.
Rà soát cập nhật số liệu kinh tế-xã hội của cả nước và các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khai thác trên hành lang Bắc – Nam như: đường bộ cao tốc, cảng hàng không...; đặc biệt là số liệu dự báo nhu cầu vận tải để làm rõ sự cần thiết đầu tư và đề xuất kịch bản phát triển, các dự án ưu tiên triển khai trên trục Bắc – Nam.
Phân tích để làm rõ đối tượng, khả năng đảm nhận giữa các phương thức vận tải (trong đó bao gồm cả tuyến đường sắt mới) trên trục Bắc – Nam. Kết quả phân tích phải được lượng hoá cụ thể, bao gồm các yếu tố về chi phí vận tải, lợi thế về thời gian....
Về các kịch bản, phương án đầu tư: trên cơ sở rà soát các nghiên cứu trước đây và kết quả dự báo nhu cầu vận tải, Bộ GTVT yêu cầu tư vấn nghiên cứu làm rõ, so sánh cụ thể để có lập luận khoa học về các kịch bản, phương án đầu tư như các ý kiến quan tâm của các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm thời gian vừa qua.
Về lựa chọn công nghệ: yêu cầu tư vấn tìm hiểu, bổ sung thông tin về các loại hình đường sắt tốc độ cao trên thế giới làm cơ sở so sánh. Đồng thời, cần phân tích đánh giá rủi ro và khả năng làm chủ công nghệ để xem xét, lựa chọn công nghệ phù hợp.
Về phương án hướng tuyến, Bộ GTVT cho biết cơ bản đã được các địa phương đồng thuận. Vì thế, yêu cầu Ban QLDA ĐS, tư vấn hoàn thiện hồ sơ, làm cơ sở để Bộ GTVT có văn bản gửi các địa phương trong tháng 8/2018. Riêng với hướng tuyến trên địa bàn Hà Nội, Ban QLDA ĐS và tư vấn rà soát các phương án cụ thể đề xuất Bộ GTVT tiếp tục làm việc với UBND Tp. Hà Nội vào tháng 9/2018.
Về hình thức đầu tư, phương án huy động vốn, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, tác động của dự án lên nợ công quốc gia, phân tích rủi ro của dự án, mô hình tổ chức khai thác, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp đường sắt..., Bộ yêu cầu Ban QLDA ĐS, tư vấn khẩn trương phối hợp với tư vấn hỗ trợ phía JICA hoàn thiện để tổ chức chuyên đề riêng (dự kiến vào giữa tháng 9/2018).
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng giao Vụ kế hoạch đầu tư tiếp tục tham mưu, chỉ đạo Ban QLDA ĐS, tư vấn triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ nghiên cứu. Giao Vụ khoa học công nghệ khẩn trương hoàn thiện tiêu chuẩn quốc gia về cấp kỹ thuật đường sắt để gửi Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét công bố đảm bảo tính thống nhất.
Quy mô đường sắt cao tốc Bắc – Nam như thế nào?
Theo chiến lược phát triển đường sắt, từ năm 2020 đến năm 2030, ngành Giao thông vận tải sẽ xây dựng hệ thống đường sắt đạt tốc độ chạy tàu 160-200km/h, đường đôi khổ 1,435m và nâng cấp hạ tầng để có thể khai thác tàu cao tốc 350km/h trong tương lai. Đến năm 2050, ngành sẽ hoàn thành đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1,435m trên toàn trục Bắc Nam; sau 2050 sẽ khai thác tàu cao tốc 350km/h.
Theo Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS, tuyến đường sắt tốc độ cao được xây dựng mới, có 23 ga, 5 khu depot bảo dưỡng, sửa chữa tàu. Chiều dài toàn tuyến khoảng 1.542km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, chia thành 4 đoạn, gồm: Hà Nội - Vinh (282km), Vinh - Đà Nẵng (432km), Đà Nẵng - Nha Trang (472km), Nha Trang - TP Hồ Chí Minh (363km).
Tổng vốn đầu tư toàn dự án dự kiến là 58,710 tỷ USD, trong đó hai đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP Hồ Chí Minh được ưu tiên đầu tư trước, phân kỳ trong 10 năm (2020-2030) với tổng vốn hơn 24 tỷ USD.
Hình thức đầu tư được đề xuất là PPP (đối tác công - tư) kết hợp với vốn nhà nước. Các phương án huy động vốn gồm: Vốn trong nước, vốn vay ODA, vốn của doanh nghiệp, tư nhân (PPP); vốn thu từ quỹ đất. Đồng thời nghiên cứu các cơ chế tài chính theo hướng: Nhà nước cấp phát đối với kết cấu hạ tầng; ngân sách nhà nước cấp phát kết hợp với xã hội hóa thông qua khai thác quỹ đất và dịch vụ tại các ga đô thị lớn. Xã hội hóa đầu tư hoặc doanh nghiệp vay lại để đầu tư phương tiện, đầu máy toa xe...
Đây là đề xuất sơ bộ và nội dung trên sẽ được nghiên cứu, làm rõ hơn trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cuối kỳ dự án.
DiaOcOnline.vn – Theo VNF