Dự án địa ốc trơ trụi, chủ đầu tư có lách luật?

Cập nhật 24/02/2017 09:16

Thu tiền bán đất nền dự án từ hơn một thập kỷ trước, liên tục hứa sẽ giao đất cho người dân xây nhà, nhưng lại liên tục thất hứa. Đó là thực trạng buồn tại không ít dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM.

Điểm mặt “họ hứa”

Ngày 20/1/2017, hàng chục người dân đại diện cho những người mua nhà của Dự án Khu nhà ở Phước Kiểng I (huyện Nhà Bè, TP.HCM), do Công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư, đã kéo tới Sở Xây dựng TP.HCM cầu cứu. Lý do là, sau 14 năm đóng tiền mua đất dự án và nhiều lần được chủ đầu tư hứa bàn giao đất để xây nhà, nhưng đến nay người dân vẫn chưa được xây nhà trên mảnh đất mình đã mua.

Bà Trần Phạm Ngọc Ánh, một hộ dân mua đất Dự án này cho biết, theo phê duyệt của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Dự án có diện tích 19 ha đất, quy mô 436 nền nhà biệt thự. Sau khi có quyết định giao đất dự án, từ năm 2003, chủ đầu tư là Công ty Thái Sơn đã phân lô bán nền cho người dân.


Dự án Khu nhà ở Phước Kiểng I (huyện Nhà Bè, TP.HCM), sau 14 năm vẫn chỉ có cỏ mọc.

Từ đó tới nay, chỉ thấy chủ đầu tư giục người dân đóng tiền, còn hạ tầng xây dựng nửa vời, nên tới nay, huyện Nhà Bè không chấp thuận cho chủ đầu tư này giao đất cho người dân xây nhà, vì không đảm bảo điều kiện xây dựng. Ngoài ra, hạ tầng giao thông kết nối không hợp lý, điện, nước cũng chưa hoàn thành.

“Đã không dưới 20 lần chủ đầu tư này hứa sẽ giao đất cho người dân xây nhà, đơn cử năm 2016, đầu năm chủ đầu tư hứa tháng 3 sẽ cho xây, rồi hứa tới tháng 7, hết tháng 7 lại hứa tới hết quý IV sẽ cho xây. Nhưng rồi hết năm 2016, dự án này vẫn bị thông báo không được phép xây dựng”, bà Ánh nói.

Cũng hình thành từ năm 2003, dù mới chỉ được chủ trương quy hoạch, nhưng chủ đầu tư đã phân lô trên giấy để bán cho người dân. Đó là Dự án Khu dân cư - thương mại - trường học Nam Sài Gòn, có địa chỉ tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM, do Công ty An Đại Việt, một công ty con của Công ty Vật tư và Giống gia súc (Amasco) làm chủ đầu tư.

Trong đơn phản ánh gửi Báo Đầu tư, bà Trương Thị Bích Tiên, ngụ tại quận 10, một khách hàng mua đất nền ở Dự án này cho biết: “Hình thức là hợp đồng góp đầu tư đổi đất. Tôi mua nền đất số 29, lô B8 với số tiền phải thanh toán là 220 triệu đồng và chia làm 3 đợt đóng. Đợt một tôi đóng vào tháng 7/2003 với số tiền 110 triệu đồng, đợt hai tôi phải đóng vào tháng 6/2004 với 44 triệu đồng và đợt ba sẽ đóng vào thời điểm nào Công ty yêu cầu. Tuy nhiên, tới nay đã 13 năm, Dự án chỉ là bãi đất cỏ mọc um tùm, Công ty An Đại Việt không hề thực hiện xây dựng hạ tầng dự án, giao đất nền cho dân như cam kết”.

Người mua nhà cần yêu cầu chủ đầu tư làm lại hợp đồng theo quy định của Nghị định 99/NĐ-CP, từ hợp đồng góp vốn thành hợp đồng mua bán để bảo đảm quyền lợi của mình.
 

Một dự án nữa cũng đang gây bức xúc trong dân, đó là Dự án Phú Gia Nhà Bè (huyện Nhà Bè, TP.HCM), do Công ty cổ phần Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng (Công ty Cotec Land) có địa chỉ tại quận 4 làm chủ đầu tư.

Theo các khách hàng của dự án này cho biết, vào năm 2003, Công ty Cotec Land bắt đầu bán đất nền dự án cho khách hàng. Ngay tại thời điểm đó, chủ đầu tư đã thu tới 95% tiền mua đất và hứa năm 2010 sẽ giao nền cho khách hàng xây nhà, nhưng 13 năm qua, Dự án gần như bị bỏ hoang, không làm gì ngoài mấy con đường đổ đá lô nhô, bó vỉa hè và đặt các hố ga thoát nước.

Những hạng mục còn lại như việc đóng tiền sử dụng đất, xin cấp giấy phép xây dựng… đều bị chủ đầu tư bỏ qua không thực hiện. Sau nhiều năm khách hàng đấu tranh, gặp lãnh đạo Công ty để làm việc thì chỉ nhận được những lời hứa suông sẽ giao đất cho người dân xây nhà vào cuối năm 2016.

Dự án Khu dân cư Intresco – khu 6A tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, do Công ty cổ phần Đầu tư - Kinh doanh nhà (Intresco) làm chủ đầu tư, cũng trong cảnh tương tự. Dự án được thực hiện từ năm 2003, có diện tích khu dân cư là 188.603 m2, khu công nghiệp thương mại là 297.250 m2, được chủ đầu tư bán cho người dân theo hình thức huy động góp vốn cùng thực hiện dự án và cam kết 24 tháng sau khi nhận tiền góp vốn sẽ giao đất cho người dân xây nhà ở.

Năm 2016, khi hàng trăm khách hàng quá mệt mỏi vì nghe chủ đầu tư hứa giao đất cho dân xây nhà nhưng không thấy đâu, họ kéo tới Công ty nói chuyện “ba mặt một lời” với chủ đầu tư, thì lại tiếp tục nhận được lời hứa sẽ giao đất vào cuối năm 2016, nhưng giờ đã sắp hết tháng 2/2017, dự án vẫn chỉ có cỏ mọc.

Chủ đầu tư có lách luật?

Những người dân mua đất tại các dự án trên cho biết, rất khó liên hệ được với chủ đầu tư dự án, vì khi điện thoại hay tìm tới thì đều được bảo vệ cho biết sếp đi công tác, đi họp và không thể gặp được.

Ở dự án Khu nhà ở Phước Kiểng I, năm 2016 được giao cho ông Nguyễn Kim Thọ, Phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn làm người phụ trách dự án. Tuy nhiên, cuối năm 2016, ông Thọ được chuyển sang quản lý dự án khác. Hiện chưa biết ai là người được phân công quản lý Dự án.

Sau khi khách hàng Dự án Phước Kiểng I tập trung khiếu kiện lên UBND TP.HCM, Thành phố đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo tình hình Dự án. Ngày 5/1/2017, Sở Xây dựng TP.HCM có Công văn số 137/SXD-TT trình UBND Thành phố báo cáo về dự án này.

Ngày 19/1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng chủ trì cuộc họp với chủ đầu tư là Công ty Thái Sơn và huyện Nhà Bè, Sở Xây dựng để nghe các bên báo cáo tình hình Dự án.

Sau đó, ông Huỳnh Cách Mạng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông - Vận tải, Thanh tra Thành phố, UBND huyện Nhà Bè, Công ty Thái Sơn làm rõ những khó khăn hiện nay của Dự án, chủ động xin ý kiến của Bộ Xây dựng rồi báo cáo lên UBND TP.HCM để xử lý dứt điểm tồn đọng của Dự án theo đúng quy định pháp luật.

Thời gian mà ông Huỳnh Cách Mạng giao cho các bên thực hiện là 30 ngày (tức ngày 19/2 phải báo cáo cho UBND TP.HCM), nhưng tới nay các bên mới có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng.

Luật sư Bùi Ngọc Long, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, để diễn ra tình trạng này có lỗi của cả chủ đầu tư và cơ quan chức năng.

“Việc chủ đầu tư mới chỉ có giấy chấp nhận phê duyệt quy hoạch dự án, nhưng đã phân lô bán nền, trong khi Dự án chưa được tiến hành đền bù giải tỏa, chưa làm bất cứ phần hạ tầng nào. Nói thẳng là đất chưa phải của chủ đầu tư, nhưng họ đã lấy đất đó bán cho người khác là hoàn toàn sai. Đây là hình thức huy động vốn trái pháp luật và hậu quả khiếu kiện kéo dài, mà người thiệt hại vẫn là người dân mua đất, còn cơ quan chức năng phải mất thời gian giải quyết khiếu kiện. Nếu trước đó Sở Xây dựng hay các địa phương quản lý chặt những dự án này, không cho “bán lúa non”, thì sẽ không diễn ra tình trạng này”, luật sư Long nói.

Cũng theo luật sư Long, nếu các chủ đầu tư cứ tiếp tục thất hứa thì người dân có thể kiện chủ đầu tư ra tòa, với lý do chủ đầu tư vi phạm hợp đồng.

Tuy nhiên, trước khi khởi kiện, người dân cũng cần nghiên cứu lại hợp đồng đã ký, bởi đa phần các hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và người dân là hợp đồng góp vốn cùng thực hiện dự án,  chứ không phải hợp đồng mua bán, mà dự án thì có thời hạn hàng chục năm. Đây là một kiểu lách luật của chủ đầu tư.

Luật sư Long cho biết thêm, trước kia áp dụng Nghị định 71/2010/NĐ-CP, cho phép chủ đầu tư huy động vốn cho dự án bằng hợp đồng góp vốn. Hiện nay, áp dụng Nghị định 99/2015/NĐ-CP, buộc chủ đầu tư phải ký hợp đồng mua bán. Theo Nghị định 99, chủ đầu tư phải làm lại hợp đồng, yêu cầu người dân ký từ hợp đồng góp vốn thành hợp đồng mua bán. Vì thế, người mua nhà cần yêu cầu chủ đầu tư làm lại hợp đồng để bảo đảm quyền lợi của mình.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư