Dự án 'đất vàng' đắp chiếu cả chục năm

Cập nhật 15/08/2012 16:20

Danh tính hàng loạt dự án đầu tư ôm đất đắp chiếu cả chục năm đã được công bố chiều qua tại phiên giám sát của thường trực HĐND thành phố Hà Nội trên địa bàn quận Ba Đình...

Dự án khu đô thị Tây Hồ Tây nhiều năm triển khai vẫn chưa biết ngày nào khởi công. Ảnh: Hà Anh.

Lãng phí cực kỳ lớn

Đến thời điểm hiện nay, tại Ba Đình đã có ít nhất 9 dự án có thời hạn “đắp chiếu” thuộc hàng cao niên nhất Hà Nội.

Điển hình là dự án 4.000 m2 tại cụm 5 phường Ngọc Hà được UBND thành phố giao Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội lập dự án phát triển nhà ở từ năm 2003.

Tiếp theo là dự án xây dựng nhà ở được giao từ năm 2002 tại xứ đồng Đống Nước trong ngõ 173 Hoàng Hoa Thám; dự án có diện tích đất rộng 9.771 m2 được thành phố giao từ năm 1998 tại khu vực ao Út Tu thuộc phường Cống Vị cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Ba Đình xây dựng nhà ở để bán; dự án rộng gần 3.000 m2 đất được thành phố giao từ năm 1999 tại khu vực hồ Thương Binh thuộc phường Kim Mã giao cho Công ty Cổ phần tập đoàn Ba Đình xây nhà bán; dự án tại 11-13 Nguyễn Chí Thanh thuộc phường Ngọc Khánh của hai nhà đầu tư gồm Công ty sản xuất kinh doanh đầu tư & dịch vụ Việt Hà và Công ty CP Sông Đà - Thăng Long...

Cử tri của phường rất bức xúc trước thực trạng bỏ hoang đất, dự án treo. Nhiều dự án đã để hoang đất tới mười ba năm rồi thì không thể thuyết phục được dư luận nữa.

Chủ tịch UBND phường Kim Mã, ông Tạ Thành Dương
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà phản ánh bản thân ông thường xuyên phải nghe các kiến nghị của nhân dân mà không biết giải thích ra sao.

Đất của người dân trong quy hoạch dự án thì không được cấp sổ đỏ, không cấp phép xây dựng, không canh tác trong khi dự án kéo dài cả chục năm ròng khiến lực lượng chức năng của phường phải căng ra quản lý, rất mệt mỏi!

Theo ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên đó là nhiều chủ đầu tư đã thiếu trách nhiệm, thậm chí có tâm lý khó bỏ, dễ làm.

Bà Từ Hồng Điệp, Trưởng ban GPMB quận Ba Đình cho biết, những bất hợp lý trong quy trình, thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay đã gây khó khăn cho các dự án. “Nhiều dự án quan trọng triển khai nhưng hỏi đến nhà tái định cư thì lại chưa có” - bà Điệp nói.

Tù mù... trách nhiệm

Không thỏa mãn với trả lời của UBND quận Ba Đình, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố đặt câu hỏi: Tại sao dự án kéo dài nhiều năm mà quận vẫn xin thành phố gia hạn? Ông Lê Văn Hoạt thì băn khoăn khi cả quận Ba Đình có 49 dự án trong danh mục theo dõi giải phóng mặt bằng, tuy nhiên cả 5 dự án chậm triển khai nêu trên lại không có tên trong danh sách theo dõi?

Đại diện UBND quận Ba Đình cho hay một số dự án đúng là đắp chiếu cả chục năm nhưng thực ra chủ đầu tư đã bỏ tiền ra đầu tư một phần nay thu hồi lại thì bồi thường tính toán ra sao.

“Một số dự án đã đầu tư dở dang nên chúng tôi đề nghị cho gia hạn” - ông Nguyễn Văn Dụ, Trưởng phòng TNMT quận cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở TNMT cho rằng, việc xử lý thu hồi dự án đang gặp khó khăn do thiếu quy định, hướng dẫn của trung ương và điều đó cũng gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai...

Phó Chủ tịch HĐND Lê Văn Hoạt yêu cầu UBND quận Ba đình sớm rà soát lại có báo cáo cụ thể về các trường hợp dự án kéo dài, trong đó làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan liên quan và đề ra giải pháp tháo gỡ cụ thể.

“Rõ ràng là có tình trạng biết rõ thực trạng mà chậm xử lý, để dự án treo quá lâu. Sòng phẳng ra mà nói bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm lớn nhất thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Đã có lúc một số dự án được ưu tiên cho chạy “tốc hành” dẫn đến thiếu thủ tục cần thiết...” - ông Hoạt nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong