Dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm: Một bài học kinh nghiệm

Cập nhật 14/11/2011 14:05


Sau 3 năm, khu vực dự kiến triển khai Dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm vẫn hoang vu như thế này
Trong vòng 6 tháng tới, số phận của Dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) sẽ được định đoạt.

Văn bản 749 mới đây của UBND TP.HCM đã truyền đạt kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân về chủ trương thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án có vốn đăng ký 1,2 tỷ USD này.

Giờ đây, vấn đề đặt ra với Dự án này là, liệu trong vòng 6 tháng tới, phía chủ đầu tư, Công ty TNHH TA Associates Việt Nam (gọi tắt là Công ty TA), liên doanh giữa Công ty TA Associates International, Pte Singapore (thành viên của Tập đoàn Teco - Đài Loan) với CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Siagon Tel) có động thái mới gì để thể hiện ý định đầu tư của mình hay không? Nhưng cho dù kết quả cuối cùng thế nào đi chăng nữa, thì đây cũng là bài học kinh nghiệm về quản lý đầu tư đối với các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nhà đầu tư không có ý định đầu tư theo cam kết

Sau khi Văn bản 749 của UBND TP.HCM xuất hiện trên các phương tiện truyền thông (Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm) đã có buổi làm việc với báo chí để thông báo về nội dung của chủ trương trên.

Ông Dương Công Luận, Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, việc giải quyết những vấn đề liên quan đến Dự án đã diễn ra được 3 năm, nếu cứ tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quy hoạch và kế hoạch đầu tư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong 3 năm qua, UBND TP.HCM đã có 3 lần làm việc trực tiếp với Công ty TA (lần đầu vào ngày 4/8/2008 và lần gần đây nhất là vào tháng 7/2011), nhưng thành phần dự họp không đúng thẩm quyền. Sau đó, TA đều không có phản hồi về những nội dung mà hai bên đã trao đổi.

Trong vòng chưa đầy 1 tháng sau ngày khởi công Dự án (ngày 19/7/2008), chủ đầu tư đã chính thức có những kiến nghị thay đổi một số điều so với cam kết tại Giấy chứng nhận đầu tư.

Nếu xét theo Điều 51, Luật Đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh dự án, nhưng điều đáng nói là nếu đã xác định cũng như cam kết xây dựng Khu công viên phần mềm thì tại sao có chuyện thay đổi tỷ lệ sử dụng đất của dự án theo hướng hoàn toàn khác?

Cụ thể, trong lần gặp đầu vào tháng 8/2008, ngoài việc đề nghị giảm tiền thuê đất, nhà đầu tư này đã đề nghị hạ tỷ lệ xây dựng khu văn phòng từ 75% (như cam kết tại Giấy chứng nhận đầu tư) xuống 59%, song lại tăng diện tích sàn hạng mục nhà ở từ 10% lên 26% để kinh doanh… bất động sản. Ông Luận cho rằng, nội dung chính của Dự án là sản xuất phần mềm, chứ không kinh doanh bất động sản. “Tính đến nay, Dự án đã chậm 3 năm, nhà đầu tư cũng đã chậm đóng tiền thuê đất trong cùng khoảng thời gian đó, nên số tiền nộp phạt không dưới 1 triệu USD”, ông Luận nói.

Vai trò quản lý của Thành phố

Theo Mục 1, Chương VI, Luật Đầu tư, đối với những dự án FDI lớn, trước khi cấp phép cho nhà đầu tư, cơ quan quản lý đã tiến hành bước thẩm tra dự án. Những vấn đề cần được xem xét bao gồm: năng lực của nhà đầu tư, kế hoạch, tính khả thi trong việc triển khai dự án...

Vậy, đại diện Thành phố là Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã nắm rõ những thông tin về nhà đầu tư nước ngoài chưa?

Về vấn đề này, Đại diện Phòng Kế hoạch và Đầu tư Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, trước khi chọn Công ty TA, đại diện UBND TP.HCM đã đến thăm Khu phần mềm NanKang (Teco) ở Đài Loan và nhận thấy khu này có quy mô khá lớn, hiệu quả hoạt động tốt. Vì thế, UBND TP.HCM rất mong muốn nhà đầu tư này tham gia phát triển mô hình tương tự tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhằm tạo ra những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.

Tuy nhiên, khi được hỏi về vai trò của các đối tác trong liên doanh TA, thì đại diện Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm lại trả lời là: “Không biết rõ lắm những thông tin về tình hình làm việc của liên doanh sau khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư!”.

Sau đó, trong trường hợp TP.HCM đã thành lập tổ công tác để đàm phán và tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư thì tại sao lại xảy ra việc “mất dấu tích” về nhà đầu tư lớn như thế?

Ngoài ra, trong năm 2010, Saigon Tel, đối tác liên doanh trong Công ty TA cũng đề nghị cho họ thực hiện nghĩa vụ đóng thuế 1.500 tỷ đồng cho đối tác nước ngoài (đang gặp khó khăn). “Song, do pháp nhân nhà đầu tư thực hiện dự án là liên doanh giữa 2 công ty, nên việc thực hiện nghĩa vụ này phải có sự thống nhất trong nội bộ liên doanh và phải có biên bản rõ ràng. Nhưng nhà đầu tư lại không có biên bản như vậy”, đại diện Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết.

Ngày 15/8/2011, Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng đã có văn bản gửi cho đối tác nước ngoài trong liên doanh đề nghị nói rõ ý định đầu tư của họ đối với Dự án. Trong trường hợp nhà đầu tư vẫn muốn tiếp tục dự án, Thành phố sẽ thuê cơ quan tư vấn để định giá đất. Nhưng thư gửi đến đã bị trả lại. Vì vậy, Ban đã gửi cho phía đối tác Việt Nam để... thông tin giùm. Từ vụ việc của Dự án, nên chăng cần suy xét lại cách quản lý và tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài, nhằm tránh trường hợp cơ quan quản lý làm một đằng, nhà đầu tư làm một nẻo?

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư