Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 298 phê duyệt dự án tiền khả thi Công viên Lịch sử văn hoá dân tộc (CVLS-VHDT). Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thu hồi đất giao cho Cty CVLS-VHDT (chủ đầu tư) để đầu tư xây dựng dự án. Song, đến nay dự án vẫn chưa công bố quy hoạch chi tiết.
Chưa biết bao giờ có quy hoạch
Đa số người dân thuộc diện đền bù giải toả dự án CVLS-VHDT đều đồng thuận với việc xây dựng dự án, song chủ đầu tư lại mập mờ. Ông Lê Ngọc Chấn (ở xã Bình Thắng, Bình Dương) cho rằng: "Dự án lập lờ khiến chúng tôi rất khổ, đất không bán được, cũng không kinh doanh, sản xuất được. Mấy năm qua, chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư công bố quy hoạch để biết đất nằm trong hay ngoài dự án..., nhưng chủ đầu tư vẫn làm ngơ. Quy hoạch chưa được phê duyệt mà vẫn bắt chúng tôi di dời...".
Năm 2000, ông Chấn đã nhiều lần đến ngành chức năng tỉnh Bình Dương và TPHCM, xin xác định vị trí đất để hoàn tất giấy tờ. Tuy nhiên, đến xã An Bình (Dĩ An, Bình Dương) thì được trả lời: "Đất không có trong bản đồ địa chính xã".
Đến năm 2004, UBND phường Long Bình (quận 9, TPHCM) có văn bản 222 trả lời: "Sau khi kiểm tra và đối chiếu các tài liệu liên quan thì đất ông Chấn không có trên bản đồ địa chính cũng như trên bản đồ địa giới hành chính của phường Long Bình quản lý".
Khi công tác giải toả đền bù được triển khai thì diện tích đất của ông Chấn được cho là nằm trên địa phận Bình Dương. Điều đáng chú ý là, khi cắm mốc ranh giới điều chỉnh quy hoạch, cả ông Chấn và chính quyền địa phương (là xã Bình Thắng, tách ra từ xã Bình An) đều không hay biết. Ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ tịch UBND xã Bình Thắng - cho rằng: "Chủ đầu tư làm như thế là chưa đúng với quy định".
UBND huyện Dĩ An (Bình Dương) cũng đã nhiều lần yêu cầu phía chủ đầu tư công khai quy hoạch chi tiết để từ đó có điều kiện giải phóng mặt bằng, nhưng chủ đầu tư vẫn chỉ hứa. Ông Phan Vũ Hoà - Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu CVLS-VHDT - cho biết: "Chúng tôi cũng khó có câu trả lời chính xác về thời gian có quy hoạch chi tiết. Quy hoạch chi tiết điều chỉnh 1/2000 đã được trình lên UBND TPHCM và hiện đang đợi Sở Quy hoạch - Kiến trúc phê duyệt. Sắp tới, chúng tôi sẽ họp với UBND tỉnh Bình Dương và Hội đồng bồi thường nhằm tìm biện pháp giải quyết 7 hộ còn lại".
Điều gây nhiều bức xúc nhất cho người dân là: Sau khi thu hồi đất, chủ đầu tư lại cho người dân thuê lại trên chính mảnh đất ấy.
Rùa bò thêm tuổi
Đến năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 937 thu hồi hơn 269.000m2 thuộc xã Bình An giao cho Cty CVLS-VHDT (chủ đầu tư) để đầu tư xây dựng dự án. Tuy nhiên, đến nay chỉ có khoảng 60% đất được giải toả mặt bằng.
Theo quy định, các dự án khi được duyệt đầu tư, chuẩn bị thi công đều phải công khai quy hoạch chi tiết ở nơi công cộng. Trường hợp này, Ban quản lý CVLS-VHDT không làm theo trình tự mà ngược lại: Triển khai thi công trước, công khai quy hoạch sau.
Theo dự kiến, ngày 10.3.2008 sẽ đưa vào khánh thành đền tưởng niệm các Vua Hùng, nhưng chủ đầu tư không thực hiện được và xin thêm thời gian tới năm 2009. Nguyên nhân chậm theo phía chủ đầu tư là: Do nhiều hộ dân không chịu di dời, trong đó có nguyên nhân giá đền bù thấp. Dân thì đòi áp dụng theo nghị định mới, còn chủ đầu tư thì triển khai theo quyết định cũ.
Gần đây, UBND TPHCM đã kiến nghị với UBND tỉnh Bình Dương giải quyết dứt điểm việc giải phóng mặt bằng tại CVLS-VHDT. Ban quản lý Khu CVLS-VHDT cần công khai quy hoạch chi tiết của dự án theo đúng chủ trương của Nhà nước.