Dự án chậm triển khai: Hệ lụy không chỉ là lãng phí

Cập nhật 05/05/2015 13:15

Hàng trăm dự án để hoang hóa, không ít dự án “nhận đất” rồi sử dụng sai mục đích, nhưng vẫn chậm bị thu hồi.

Trong khi đó, các địa phương lại chật vật trong việc tìm đất để xây trường, công trình công cộng. Đó là thực tế được chỉ ra qua đợt giám sát về việc kiểm tra tình hình sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trên địa bàn TP Hà Nội vừa qua.

Bức xúc vì dự án “quây tôn”

Mặc dù TP đã có rất nhiều động thái tích cực trong việc chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất của các dự án; HĐND TP cũng đã có những đợt giám sát rốt ráo về vấn đề này. Nhưng thực tế đây vẫn là lĩnh vực "nóng", xảy ra nhiều sai phạm. Tại các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, việc vi phạm pháp luật về đất đai như chậm GPMB, chậm đưa đất vào sử dụng sau 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất thực địa, chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính, sử dụng đất sai mục đích diễn ra khá phổ biến.


Khu đất thuộc Dự án xây dựng khách sạn 5 sao của Tập đoàn Kinh Bắc tại phường Mễ Trì. Ảnh: Phạm Hùng

Theo thống kê của Sở TN&MT, hiện có khoảng 500 dự án đã được phê duyệt, giao đất nhưng đang "đắp chiếu" hoặc triển khai chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích. Trong đó, không ít dự án đã GPMB rồi, nhưng chưa đưa đất vào sử dụng. Gọi những dự án này là “dự án quây tôn”, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ cho biết, trên địa bàn có 53 dự án (ở 10 phường) vi phạm. Trong đó có 31 dự án (khoảng 70ha đất) đang “quây tôn” để đấy, trong đó có cả những dự án phải GPMB bằng cưỡng chế, không chỉ gây bức xúc cho người dân, mà chính quyền địa phương cũng rất vất vả trong quản lý, bởi tình trạng đổ trộm phế thải, điểm tụ họp của tệ nạn xã hội... Điều đáng nói, nhiều dự án nằm ở những vị trí rất tốt như Dự án của Tập đoàn Kinh Bắc xây dựng khách sạn 5 sao tại phường Mễ Trì (70.000m2); Công ty CP Sông Hồng được giao dự án xây dựng khu văn phòng và khách sạn tại phường Mỹ Đình 1 với diện tích 1.600m2; dự án trường Mầm non tư thục Vườn Xanh lô NT tại Mỹ Đình 1...

Giám sát tại quận Tây Hồ cũng cho thấy có 20 dự án chậm triển khai; quận Hai Bà Trưng có 46 tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai; quận Cầu Giấy có 24 dự án vi phạm... Lãnh đạo các quận đều bức xúc khi hàng trăm héc ta đất “quây tôn” bỏ hoang là nguồn cơn của tất cả vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, trong khi nhiều quận đang thiếu đất xây dựng các công trình dân sinh, như Nam Từ Liêm đang thiếu tới 23 trường công lập (sau khi tách phường) và rất vất vả đi tìm đất để xây dựng các công trình công cộng.
Thu hồi có quá khó?

Phường có đến 5 dự án “treo”, tình trạng này đã gây khó khăn cho chính quyền cơ sở trong việc vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án mới. Cùng với đó là 6 dự án chậm GPMB, trong đó có cả dự án chủ đầu tư không có năng lực tài chính để chi trả cho người dân theo quy định, dẫn đến khiếu nại tố cáo. Trong khi đó, phường lại thiếu nhiều trường học, công trình công cộng, khiến người dân rất bức xúc.

Ông Đào Tăng Quýnh - Chủ tịch UBND phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm
 

Đề nghị kiên quyết thu hồi các dự án treo, sử dụng sai mục đích để các quận đầu tư xây dựng trường công lập, công trình công cộng..., đó là vấn đề được hầu hết lãnh đạo các quận đề xuất trong cuộc làm việc với đoàn giám sát. Lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết: Quận đang đau đầu tìm vị trí xây dựng trường  THCS tại phường Quan Hoa (đây là phường duy nhất của quận chưa có trường THCS công lập), nhiều năm liền quận đã đề xuất thu hồi đất của dự án xây dựng khu trường học và nhà ở (Công ty CP Đầu tư và Thương mại Tín Phát) tại phường Quan Hoa đã bị chậm 9 năm, nhưng vừa được TP gia hạn. Nếu thời gian tới chủ đầu tư vẫn không thực hiện đúng quy định, quận sẽ tiếp tục kiến nghị cương quyết thu hồi giao cho quận xây dựng trường.

Lãnh đạo Sở TN&MT cũng thông tin, từ năm 2009 - 2014, TP đã ban hành 63 quyết định thu hồi đất của 59 tổ chức do vi phạm các quy định của Luật Đất đai với tổng diện tích thu hồi hơn 17.000.000m2. Sở cũng đang lập hồ sơ, tiếp tục trình TP thu hồi hơn 54.000m2 của 6 dự án và đã có kết luận thanh tra, kiến nghị TP chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi hơn 84.000m2 của 2 dự án. Nhưng thực tế, đến giữa tháng 4/2015, Sở mới hoàn thành việc thu hồi đất của 11 dự án, với tổng diện tích hơn 400.000m2 để sử dụng cho các dự án công cộng, vườn hoa, cây xanh. Con số này quả là ít ỏi so với hàng triệu mét vuông đất bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích trên địa bàn.

Trả lời câu hỏi của Đoàn giám sát đặt ra vì sao các dự án sai phạm đã rõ nhưng lại rất chật vật, chậm trong xử lý, thu hồi. Đại diện Sở TN&MT cho rằng trình tự, thủ tục để cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất cũng còn những kẽ hở; chưa có hướng dẫn thực hiện nội dung quy định về trình tự, thủ tục và cơ chế thực hiện khi Nhà nước thu hồi đất đối với những chủ đầu tư vi phạm pháp luật đất đai nhưng đã nộp tiền sử dụng đất, tiền bồi thường GPMB và nộp tiền sử dụng đất... Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều quận còn phản ánh, đó là vai trò chính quyền cơ sở đối với dự án này khá "mờ nhạt". Bởi quận có trách nhiệm quản lý đất đai trên địa bàn, nhưng xử lý lại không thuộc thẩm quyền. Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: Nhiều chủ đầu tư "bỏ qua" quận, thậm chí có dự án sau 3 năm có quyết định thu hồi đất, quận cũng không thể liên hệ được với chủ đầu tư như dự án khu tái định cư kinh doanh tổng hơp ở Phương Canh (Công ty xây lắp công nghiệp). Tuy nhiên, quận chỉ có chức năng kiến nghị xử lý, còn việc ra quyết định xử lý, thu hồi thuộc trách nhiệm của các sở, ngành TP.

Từ thực tế này, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Nguyễn Văn Nam gợi mở: Nên chăng nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để công khai thông tin và thực trạng của các dự án, vừa để chính quyền cơ sở nắm được, phối hợp giám sát, vừa để nhà đầu tư biết. Cùng với việc cương quyết thu hồi các dự án không thể khắc phục sai phạm, việc giao đất để thực hiện các dự án phải thông qua đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án, bảo đảm tính công khai minh bạch và hạn chế tối đa tình trạng đất vàng bỏ hoang do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính.


DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT